Hà Nội thí điểm hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy mới

UBND TP.Hà Nội thí điểm nếu xe máy cũ trên 18 năm không đạt tiêu chuẩn về khí thải thì hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe mới.

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện đề xuất thí điểm chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”, báo cáo trước ngày 15.9.

Theo chương trình do Sở TN-MT chủ trì soạn thảo, xe máy cũ trên 18 năm tại Hà Nội nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền để đổi sang xe mới.

Cụ thể, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.

Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng/trường hợp.

Nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng. Thời gian triển khai chương trình dự kiến từ tháng 9 - 12.2020 với khoảng 5.000 mô tô, xe máy (ước tính) được đo kiểm khí thải.

Theo ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, TP hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và 730.000 ô tô.

Theo Thanh Niên

----

Xem thêm:

Kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy sẽ được thực hiện ra sao?

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải gây ô nhiễm.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được giới chuyên gia và người dân đặc biệt quan tâm. Trong dự thảo sửa đổi lần này, mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) nằm trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và sẽ phải kiểm tra định kỳ khí thải nhằm tăng hiệu quả bảo vệ môi trường.

Cụ thể, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải. Việc tổ chức kiểm định, kiểm tra định kỳ khí thải xe máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, kiểm tra định kỳ về khí thải xe máy.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, khí thải xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể, nhất là tại các đô thị lớn, khu vực tập trung đông xe máy. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải đến nay mới kiểm soát đối với "đầu vào" là xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Từ năm 2007, xe máy sản xuất mới phải đạt mức tương ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 mới được bán ra thị trường; từ năm 2017, phải đạt tiêu chuẩn tương ứng mức Euro 3.

Việc nâng tiêu chuẩn xe sản xuất, nhập khẩu từ Euro2 lên Euro3 giúp nâng cao chất lượng động cơ, hạn chế thành phần chất gây ô nhiễm có trong khí thải xe máy.

Tuy vậy, số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng dẫn đến tổng lượng phát thải tăng, trong khi bất cập là luật chưa quy định về kiểm tra khí thải đối với xe đang lưu hành nên mức độ gây ô nhiễm tăng hơn từ loại xe cũ nát, chất lượng kém.

Được biết, từ giữa tháng 5/2020, Sở GTVT TP HCM phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành.

Việc kiểm tra được thực hiện tại các đại lý xe máy. Kết quả cho thấy, có thời điểm 30% lượng xe có ngưỡng phát thải quá tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 (mức thấp nhất của tiêu chuẩn khí thải).

kiem-dinh-khi-thai-dinh-ky-doi-voi-xe-may-se-duoc-thuc-hien-ra-sao

Lượng xe máy dày đặc, nhiều xe cũ nát vẫn tham gia giao thông khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng. Ảnh: Nhật Tân

Loại xe có niên hạn sử dụng trên 5 năm, nếu không bảo dưỡng thường xuyên, lượng khí CO phần lớn vượt gấp 2 lần tiêu chuẩn. Sau khi các xe này bảo dưỡng, lượng khí CO trong khí thải giảm rất nhiều. Đối với các đời xe sử dụng phun xăng điện tử hoạt động trên 5 năm, đa số vẫn nằm trong tiêu chuẩn khí thải.

"Toàn quốc hiện có khoảng hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, chiếm đến 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.

Các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM có lượng xe máy tập trung đông, chiếm khoảng 1/4 lượng xe cả nước và có mức gây ô nhiễm từ xe máy khá cao", ông Đặng Trần Khanh, Phó trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin thêm.

Cũng theo ông Khanh, năm 2010, Thủ tướng phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, trong đó mục tiêu là áp dụng trước tại các đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2. Cục Đăng kiểm Việt Nam nhiều lần trình phương án triển khai cụ thể, song vướng mắc là Luật GTĐB không quy định nên phải chờ.

"Cách đây vài năm, một số địa phương như: Hà Nội, TP HCM từng kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn việc kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành, song việc này phải chờ được quy định trong Luật GTĐB sửa đổi", ông Khanh thông tin.

Cũng theo ông Đặng Trần Khanh, việc quy định kiểm tra định kỳ khí thải xe máy trong Luật GTĐB để tạo cơ sở pháp lý và sẽ được cụ thể hóa bằng quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn khí thải, cách thức tổ chức kiểm tra.

Từ nghiên cứu trước đây và kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc tổ chức kiểm tra định kỳ khí thải nên được tổ chức theo hướng xã hội hóa.

Chẳng hạn, các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa xe, đại lý xe máy của hãng sản xuất, trung tâm đăng kiểm ô tô… có thể tham gia vào việc kiểm định khí thải xe máy. Còn cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương, địa phương thực hiện quản lý, giám sát hoạt động của cơ sở kiểm định, cấp chứng nhận khí thải.

"Không phải tất cả xe máy đều phải kiểm tra khí thải định kỳ. Xe mới sử dụng được vài năm không nên kiểm tra. Đối tượng chủ yếu hướng đến quản lý là xe máy chất lượng kém, cũ nát", lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới cho biết.

kiem-dinh-khi-thai-dinh-ky-doi-voi-xe-may-se-duoc-thuc-hien-ra-sao

Việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới không phải mới tuy nhiên để triển khai vào thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Nhật Tân

Đánh giá cao về tính thiết thực của giải pháp này, ông Keisuke Tsuruzono, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), cho hay xe gắn máy là phương tiện giao thông thiết yếu, phương tiện để mưu sinh của đại đa số người dân Việt Nam. Phương tiện này phù hợp với thói quen, điều kiện sinh sống của người dân, thích hợp với đường sá ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tại các thành phố lớn đang tồn tại các vấn đề bất cập như kẹt xe, chất lượng không khí suy giảm. Một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này thuộc về ý thức, thói quen của người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông. Ngoài ra, người dân cũng chưa chú trọng kiểm tra định kỳ phương tiện trong quá trình sử dụng.

Theo ông Tsuruzono, VAMM cam kết với Chính phủ sẽ xây dựng lộ trình cụ thể về việc kiểm soát khí thải xe gắn máy. Qua đó, thực hiện các giải pháp xây dựng xã hội giao thông lành mạnh, mang lại lợi ích cao nhất cho việc di chuyển hằng ngày của người dân.

Mặt khác, VAMM sẽ chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao ý thức ứng xử tham gia giao thông của người dân. Đồng thời, kết hợp các biện pháp kiểm soát chất lượng phương tiện sử dụng, mang lại hiệu quả triệt để hơn.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng cho biết, việc kiểm soát khí thải xe gắn máy là rất cần thiết. Khí thải xe máy ở Việt Nam được xác định là một trong những nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay chúng ta chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy.

Vì vậy, hiện nay ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều xe máy cũ và cũng không có quy định lượng phát thải là bao nhiêu nên nhiều xe có nguồn phát thải lớn.

Theo ông Tùng, ngành chức năng nên có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn phát thải. Cần có định chế bắt buộc phải kiểm tra, nếu vượt quá quy chuẩn thì không được phép lưu hành như nhiều nước đã thực hiện.

"Việc kiểm soát thời gian đầu có thể sẽ gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ có nhiều cách để khắc phục như ban đầu chúng ta sẽ ra thông điệp để người dân biết.

Sau đó, có thể dùng những logo hay tem kiểm định để dễ dàng phân biệt là xe nào đã được kiểm định đạt quy chuẩn. Những xe không đạt chuẩn có thể áp dụng mức phạt nhất định như đối với ô tô", TS Tùng nhấn mạnh.

Cần phải thay thế các phương tiện cá nhân bằng giao thông công cộng

PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, với tình hình trên, lượng khí thải sẽ tiếp tục tăng và gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người trong thời gian tới. Bụi chứa các chất độc trong đó chứ không phải là bụi, đất đá thông thường. 

Ví dụ chứa các kim loại nặng, thủy ngân, các hợp chất hữu cơ… khi vào phổi chúng ta sẽ gây ảnh hưởng hệ hô hấp. Và theo tổ chức Y tế thế giới công bố, các loại khí đó có khả năng gây ung thư phổi.

PGS.TS Hồ Quốc Bằng kiến nghị, giải pháp ngắn hạn thành phố phải kiểm soát khí thải xe máy. Đối với loại xe đã quá cũ kỹ, quá niên hạn sử dụng cần loại bỏ.

Giải pháp trung hạn, dài hạn là chúng ta cần phải thay thế các phương tiện cá nhân bằng các loại phương tiện giao thông công cộng.

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+Bảo dưỡng xe máy cũ như thế nào để đạt chuẩn khí thải theo quy định

+Khí thải động cơ diesel thay đổi cấu trúc của tim

----