Hà Nội thống nhất 3 màu sơn taxi: Áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn



Hà Nội đang đề xuất đổi màu cho xe taxi đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, Hà Nội đang xây dựng Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe taxi trên địa bàn, giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, điểm nhấn của đề xuất là thống nhất 3 màu sơn taxi là: xanh, ghi bạc, trắng cho taxi và phân vùng hoạt động, đấu giá quyền khai thác... được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trước những ý kiến không đồng tình của dư luận, ngày 21/11, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có chia sẻ riêng với PV Báo Gia đình & Xã hội.

ha-noi-thong-nhat-3-mau-son-taxi-ap-dung-se-gap-nhieu-kho-khan

Theo ông Bùi Danh Liên, nhu cầu của xã hội mà áp đặt về mặt kinh tế sẽ khó thành công. Ảnh: Internet.

Theo ông Bùi Danh Liên, Đề án Quy chế do Sở GTVT trình và được lấy ý kiến từ các tổ chức chính trị xã hội, do Ban Mặt trật tổ quốc TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến. Đối tượng đầu tiên của Quy chế là các hãng taxi. Trong buổi hội thảo lấy ý kiến thì có sự góp mặt của hãng taxi lớn, có truyền thống là Mai Linh, Thành Công và một số hãng taxi khác. Sau đó, là lấy ý kiến các quận, huyện và nhân dân trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Trong cuộc hội thảo gần nhất đã có nhiều ý kiến khác nhau về quy chế trên, đồng thời làm thế nào để quản lý 3 màu sơn taxi? Bởi kinh doanh thì phải phát triển theo nhu cầu của thị trường, bởi không thể cấm đoán xe taxi hoạt động theo vùng. Tuy nhiên, nhìn chung là đều thống nhất với đề xuất của Sở GTVT là tiến tới thống nhất 3 màu sơn taxi và sẽ trình Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua quy chế, trong cuối năm nay.

Ông Bùi Danh Liên cũng thẳng thắn quan điểm rằng: "Diễn biến thị trường trong nền kinh tế thị trường rất phức tạp, nó không theo ý chí lãnh đạo, mà phát triển theo nhu cầu của xã hội. Đã theo nhu cầu của xã hội mà áp đặt về mặt kinh tế thì đương nhiên sẽ khó thành công.

Ví dụ, phân chia hoạt động theo vùng thì ắt sẽ có biên giới, có hàng rào chắn. Trong khi, Hà Nội không có rào giao thông, mà chỉ có vành đai 1, vành đai 2 thì lấy gì để làm hàng rào để các đơn vị tuân thủ quy định? Đó là chưa kể lực lượng xử lý, xử phạt có đảm bảo? Cho nên, rất khó bắt các doanh nghiệp thực hiện theo quy chế đó. Tôi chắc chắn rằng, quy chế này chỉ phù hợp áp dụng với hệ thống sân bay, còn áp dụng vào hoạt động vận tải taxi trên địa bàn, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn nữa, xe các tỉnh đưa khách về Hà Nội và đưa khách từ Hà Nội về các tỉnh thì hoạt động ra sao? Rồi những xe mang màu sắc Hà Nội nhưng hoạt động ở các chi nhánh tại các tỉnh thì kiểm toán như thế nào? Màu xe Hà Nội tại các tỉnh lân cận có được về Hà Nội hay không? Nếu các tỉnh, thành phố cũng quy định giống Hà Nội thì tôi chắc chắn rằng, taxi sẽ phải ngừng hoạt động. Cho nên có thể nói, ý tưởng thì rất nay, nhưng nếu áp dụng thực tế thì rất khó thực hiện”.

ha-noi-thong-nhat-3-mau-son-taxi-ap-dung-se-gap-nhieu-kho-khan

"Việt Nam đang “thả lỏng” màu xe, mà bây giờ đưa các doanh nghiệp cùng chung một màu sơn, thì rất khó cho doanh nghiệp". Ảnh: Internet.

Cũng theo ông Liên: “Tôi có thể tiên đoán là không thành công. Bởi vì bản thân vận tải là vận động, chứ không phải hoạt động tĩnh. Trên thực tế một số nước trên thế giới như Nhật Bản đã áp dụng mô hình tương tự. Nhưng Việt Nam đang “thả lỏng” màu xe, mà bây giờ đưa các doanh nghiệp cùng chung một màu sơn, thì rất khó cho doanh nghiệp.

Thứ nhất các hãng taxi phải đầu tư mới theo màu đăng ký, sẽ rất tốn kém. Thứ 2, màu sơn taxi cũng phải dựa trên nhu cầu của người dân về giá cả, chất lượng phục vụ…; Ngoài ra, đưa các hãng taxi làm ăn “chộp giật” vào khuôn khổ thì cũng rất khó quản lý, dễ tạo sự ảnh hưởng xấu cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính”.

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, rất hoan nghênh TP Hà Nội đang dần xây dựng một thành phố văn minh, để làm đồng phục cho taxi. Tuy nhiên, áp dụng quy chế này sẽ gặp nhiều khó khăn, nên cũng cần phải có thời gian để tuyên truyền đến các hãng taxi, để các hãng có thời gian tích lũy, đầu tư phương tiện.

“Nếu Hà Nội quyết tâm làm đến cùng thì tôi cho rằng sẽ còn rất lâu mới có thể thành công, có khi phải đến năm 2030 mới có thể làm được. Bởi khi đó, tiềm lực các doanh nghiệp nâng lên, giá cước thay đổi, đầu tư lại cơ sở vật chất, phương tiện xe cá nhân giảm đi,… thì hoạt động mới có hiệu quả”, ông Liên cho hay.

Theo GiaDinh