Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm nặng: 60-70% bụi mịn do ô tô xe máy thải ra



Theo chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu từ các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác.

Vì sao đêm và rạng sáng Hà Nội lại ô nhiễm nhất

Những ngày vừa qua, tại Hà Nội bất ngờ xuất hiện tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ở nhiều trạm quan trắc môi trường, các chỉ số ở ngưỡng nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, việc ô nhiễm không khí đã và đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô.

Theo thông tin từ Trung tâm Quan trắc Môi trường (trực thuộc Tổng cục Môi trường), trong thời gian từ 20/9 đến 26/9 vừa qua, chất lượng không khí tại Hà Nội có nhiều diễn biến xấu. Trong đó, có 5 trong 7 ngày ghi nhận thông số PM.25 vưỡng ngưỡng cho phép.

ha-noi-trong-nhung-ngay-khong-khi-o-nhiem-nang-60-70-bui-min-do-o-to-xe-may-thai-ra

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội.

Cũng theo phía Trung tâm Quan trắc Môi trường cho biết, từ số liệu 12 trạm quan trắc tự động trên địa bàn Hà Nội đo được trong khoảng thời gian trên cho thấy, trong ngày 21/9 và 22/9, nồng độ PM2.5 có giá trị thấp hơn ngưỡng QCVN, tuy nhiên từ ngày 23/9 đến 26/9 nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng khá cao, tại hầu hết các trạm quan trắc đều vượt QCVN từ 1,1 đến 1,7 lần. 

Một số nơi có giá trị PM2.5 tăng cao là khu vực UBND phường Minh Khai và đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), khu vực Hàng Đậu (trụ sở Công an phường Hàng Mã) và khu vực hồ Thành Công.

ha-noi-trong-nhung-ngay-khong-khi-o-nhiem-nang-60-70-bui-min-do-o-to-xe-may-thai-ra

Kết quả AQI ở Hà Nội tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ ngày 30/9.

Đặc biệt, chỉ số PM2.5 ở mức cao lại chủ yếu rơi vào thời điểm đêm và sáng sớm. Điển hình tại thời điểm từ 0h đến 10h sáng ngày 23-24/9; từ 5h-6h sáng ngày 25-26/9 và từ 0h-6h ngày 27/9. Đây là các khoảng thời gian gió lặng cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm cho chất ô nhiễm không thể phát tán, duy trì ở mức cao.

60-70% bụi mịn do ô tô, xe máy

Điều dễ nhận ra nhất đối với người dân Hà Nội những ngày không khí ô nhiễm đó là hiện tượng mờ ảo mỗi khi ra đường, thậm chí nhiều thời điểm tầm quan sát bị hạn chế.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thái trú tại Láng Hạ cho biết: "Đêm ngày 29/9 tôi di chuyển từ sân bay Nội Bài về nội thành và quan sát thấy hiện tượng mù bao phủ khắp Hà Nội. Đặc biệt, khi di chuyển trên đường Võ Nguyên Giáp vào nội thành càng nhìn nhận rõ hiện tượng trên".

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) nhận định, ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu từ các nguồn tại chỗ như hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác… đặc biệt là hoạt động giao thông, có đến 60-70% bụi mịn do ô tô, xe máy thải ra. Người dân nếu di chuyển ra đường nên trang bị các loại khẩu trang, kính mắt chuyên dụng hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

ha-noi-trong-nhung-ngay-khong-khi-o-nhiem-nang-60-70-bui-min-do-o-to-xe-may-thai-ra

Hoạt động tham gia giao thông bằng ô tô, xe máy khiến gia tăng bụi mịn.

Vấn đề cải thiện ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường không còn là bài toán của Hà Nội mà của nhiều đô thị lớn ở Việt Nam. Đối với Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường đến năm 2020 với quy mô 20 trạm quan trắc. Dự kiến đến năm 2030 nâng tổng số trạm lên 50.

Ðây là một trong những nỗ lực góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của Hà Nội. Ðồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân.

Ngoài ra, Hà Nội cần kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn, như: tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị; tăng cường phương tiện giao thông công cộng; khuyến khích phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch...

Theo GiaDinh