Hai ca COVID-19: Vì sao không cần phong tỏa bệnh viện Chợ Rẫy?

Do xe cấp cứu của BV Đa khoa Đà Nẵng chở bệnh nhân 449 đi thẳng vào bệnh viện (BV) và được cách ly như một bệnh nhân COVID-19, nên không cần phong tỏa BV Chợ Rẫy.

Chiều 29-7, Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của TP.

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề có cần thiết cách ly toàn bộ BV Chợ Rẫy và những nơi đã khám chữa cho bệnh nhân thứ 449 hay không.

hai-ca-covid-19-vi-sao-khong-can-phong-toa-benh-vien-cho-ray

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Thanh Việt, bác sĩ Chuyên khoa II BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân thứ 449 đã được chuyển thẳng từ Đà Nẵng đến Chợ Rẫy mà không ghé nơi khác.

BS Việt cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã có sự cảnh giác ngay từ đầu. Theo đó, bệnh nhân được chuyển thẳng vào trong khoa Cấp cứu và cho nằm phòng cách ly tại đây. Nhân viên y tế khi thăm khám cho bệnh nhân đều mặc đồ phòng hộ như tiếp xúc với một bệnh nhân mắc COVID-19.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thêm bệnh nhân 449 đến từ Đà Nẵng đã đến 3 BV trên địa bàn là Chợ Rẫy (quận 5), Triều An và Quốc tế City (quận Bình Tân).

“Trong đó, tại BV Chợ Rẫy, do xe cấp cứu của BV Đa khoa Đà Nẵng chở bệnh nhân đi thẳng vào bệnh viện. Ngay từ đầu, bệnh nhân này đã được cách ly riêng như một bệnh nhân COVID-19. Thông tin bệnh nhân có vào khoa Hô hấp BV Chợ Rẫy là không đúng”- ông Thượng nói.

Theo bác sĩ Thượng, sau đó bệnh nhân không chịu nằm ở BV Chợ Rẫy mà muốn đi BV khác nên chỉ ở lại bệnh viện này khoảng 10 tiếng.

“27 người tiếp xúc với bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy đều có kết quả âm tính nên không cần phong toả BV này và tính đến chiều nay toàn bộ 121 nhân viên của 3 BV có tiếp xúc với bệnh nhân 449 đều có kết quả âm tính”- ông Thượng nói.

Trước đó, Bộ Y tế đã công bố ca bệnh 449 là bệnh nhân nam, 57 tuổi, quốc tịch Mỹ, sống ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Ngày 26-6, bệnh nhân sốt, ho, khó thở, đau mình và nhập viện Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Ngày 6 đến 20-7, bệnh nhân chuyển điều trị tại BV Đà Nẵng. Ngày 20-7, bệnh nhân chuyển đến BV Chợ Rẫy TP.HCM. Ngày 21 đến 27-7, bệnh nhân chuyển đến BV Quốc tế City TP.HCM.

Tá Lâm - Hoàng Lan

Theo PLO

-----

Xem thêm:

HCDC: TP.HCM không thể xác định được bao nhiêu người đến từ Đà Nẵng

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)cho biết không thể thống kê được số lượng người dân về từ Đà Nẵng do nhiều người đi về bằng đường bộ, đường sắt và nhiều người đã rời đi.

hdcd-tphcm-khong-the-xac-dinh-duoc-bao-nhieu-nguoi-den-tu-da-nang
TP.HCM kiểm soát đối với các tuyến xe từ vùng dịch vào thành phố
ẢNH: SỸ ĐÔNG

Chiều tối 29.7, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM và các phương án ứng phó.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM luôn cảnh báo mọi lúc mọi nơi, nay phải chuẩn bị phương án đối phó với tình hình mới.

Trước khi Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19, TP.HCM vẫn giám sát y tế, nhất là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về như công dân, diện ngoại giao và chuyên gia.

Trong thời gian qua, TP.HCM phát hiện 29 trường hợp nhập cảnh trái phép, được đưa đi cách ly, chưa có trường hợp nào dương tính.

Về số lượng người từ Đà Nẵng về, ông Dũng cho hay không thể thống kê chính xác người về từ Đà Nẵng là bao nhiêu bởi có người về từ sân bay rồi đi nơi khác, và nhiều người về đường bộ và đường sắt đều không biết.

Do đó, TP.HCM kêu gọi sự tự giác của người dân và cộng đồng trong việc khai báo y tế và phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng.

hdcd-tphcm-khong-the-xac-dinh-duoc-bao-nhieu-nguoi-den-tu-da-nang

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trao đổi tại buổi họp báo.

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Dũng nhận định hiện các khu phố dân cư, người dân tăng cường ý thức phòng dịch Covid-19, trên cổng tiếp nhận thông tin 1022 nhận được nhiều tin báo người từ Đà Nẵng về nhưng chưa khai báo.

Tính đến sáng nay (29.7), có 9.000 trường hợp khai báo y tế và 6.000 trường hợp lấy mẫu. Ông Dũng thông tin có nhiều trường hợp khai báo chưa đúng, hoặc người từng về Đà Nẵng nhưng lại chưa khai báo.

TP.HCM sẽ tổ chức lấy mẫu trước ở một số nhóm đối tượng, từng bước lấy hết mẫu xét nghiệm để đảm bảo không xảy ra nguy cơ trong quá trình lấy mẫu.

Tại TP.HCM, có 13 đơn vị có đủ điều kiện xét nghiệm, bao gồm cả tư nhân và nhà nước, tính luôn cả đơn vị của bộ ngành. Trong đó, có 5 đơn vị thuộc TP.HCM với khả năng xét nghiệm 2.000 mẫu/ngày, nếu tăng ca thì lên 3.000 mẫu/ngày.

Bộ Y tế mới công bố TP.HCM có 2 ca nhiễm Covid-19 là bệnh nhân số 449 và 450.

Theo Thanh Niên

----

Xem thêm:

+Hà Nội, TPHCM có tái cách ly xã hội sau khi xác định ca Covid-19 mới?

+Đường đi của 2 ca nghi nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng vào TP HCM

+28 điểm bệnh nhân Covid-19 ghé qua tại Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM, Hà Nội

-----