Hạn chế lễ hội để phòng chống dịch cũng là cách nhìn lại mình

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, điều không may khi phải tạm dừng các lễ hội để phòng chống dịch bệnh cũng được coi là cơ hội để hiểu sâu sắc ý nghĩa của văn hóa xưa. Bởi lẽ nhiều lễ hội vốn có truyền thống rất đẹp đã bị đưa vào các yếu tố tâm linh, thu hút lượng khách lớn đổ về để phát triển thương mại cho địa phương dẫn đến sai lạc, mất kiểm soát.

han-che-le-hoi-de-phong-chong-dich-cung-la-cach-nhin-lai-minh

Lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm (Hà Nội) - một lễ hội truyền thống đẹp còn được lưu giữ. Ảnh: Nam Trần

Mùa lễ hội im ắng

Chị Nguyễn Thị Hằng (ở Hà Nội) có thói quen năm nào cũng tới "phố ông đồ" ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám du xuân. Có năm chị xin chữ có năm không, nhưng dịp đầu xuân nào chị cũng đến đây như một điểm du xuân, hò hẹn bạn bè. Năm nay, lần đầu tiên chị Hằng không đến hội chữ vì dịch bệnh virus corona.

Lễ hội chùa Hương năm nay chị cũng đành lỗi hẹn, nhưng hóa ra chị Hằng cũng không có thời gian để cảm thấy trống vắng vì phải từ bỏ những thói quen đã ăn vào máu. Lo chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân, cùng công việc phải làm đã quá đủ để chị Hằng quên mất sự thiếu vắng lễ hội.

Lâu nay, chúng ta vẫn quen với hình ảnh của những dòng người tấp nập, chen chúc đổ về các điểm hành hương ngay từ sau Tết. Còn bây giờ, những dòng người ấy đã vợi đi rất nhiều so với trước. Theo thống kê, ngay từ khi chưa có chỉ đạo tạm dừng của Bộ VH-TT&DL thì từ đầu xuân, chùa Hương cũng chỉ đón lượng người hành hương bằng 1/3 so với năm trước. Những địa điểm khác vốn xưa nay vẫn hút du khách thập phương như Phủ Giầy và đền Trần Nam Định, chùa Phật Tích Bắc Ninh… cũng chỉ lác đác khách mỗi ngày.

Mùa lễ hội năm 2019, hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) cũng phải đột ngột dừng hoạt động đánh phết do lo ngại những vấn đề tiêu cực tiếp tục diễn ra mà không có cách nào khống chế. Bên cạnh việc dừng khai hội theo công điện của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL để ứng phó với dịch bệnh thì đây là năm thứ 2, xã Hiền Quan không có hoạt động đánh phết như vài trăm năm qua.

Tất nhiên, từ những việc ngoài ý muốn này, nhiều người cho rằng, chỉ cần vài năm không duy trì, người dân sẽ dần quen, thay đổi nếp nghĩ để hướng đến một lễ hội vui vẻ, an toàn, lành mạnh mà không cần đến những màn tranh cướp đến đổ máu, "một mất - một còn". Thậm chí, đây có thể là cơ hội cho chúng ta cùng bình tâm nhìn lại những đẹp, xấu của lễ hội trên cả nước.

Các lễ hội đang ngày một quá tải

Hạn chế lễ hội để phòng chống dịch cũng là cách nhìn lại mình - Ảnh 2.

Do đang thời điểm phòng tránh dịch bệnh virus corona nên người dân đành phải xếp hàng trước cửa phủ Tây Hồ để bái vọng. Ảnh: Phương Lâm

Thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đã biến đổi rất mạnh mẽ. Một số yếu tố văn hóa, lệ tục có từ nghìn đời, song không còn phù hợp với cuộc sống đương đại đã được vận động bỏ, hoặc đưa ra chủ trương bỏ, điển hình là tục đốt pháo Đồng Kỵ hay tục chém lợn giữa sân đình tại hội làng Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh).

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, trong quá khứ, bản chất các lễ hội diễn ra chủ yếu hướng đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của từng cộng đồng nhỏ hẹp trong mỗi làng xã địa phương. Do hạn chế về hạ tầng và phương tiện giao thông, những người nông dân ít khi đi xa hơn cái làng của mình. Vậy nên, hội làng nào thì người làng ấy tham gia, không có cảnh chen lấn, xô bồ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng cũng tăng dần trong xã hội. Các lễ hội xuân không còn chỉ để phục vụ đời sống tinh thần của cư dân bản địa mà còn kiêm thêm "nhiệm vụ" kích thích tăng trưởng kinh tế, xã hội của cả vùng, do đó mở rộng đón du khách thập phương. Việc quá tải đã dẫn đến những khó khăn trong vấn đề kiểm soát, tổ chức lễ hội.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng cho biết, từ sau năm 1990 với chủ trương bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, các lễ hội truyền thống dần phục hồi. Nhưng cũng như các di tích được trùng tu nhưng bị biến dạng bởi sự trùng tu thiếu hiểu biết, một số lễ hội được khôi phục không đầy đủ, bị sai lạc, biến tướng.

Khoảng 10 năm sau khi được khôi phục lại, các lễ hội trở nên quá tải. Ở một số nơi, lễ hội không còn là sự thăng hoa văn hóa nữa mà là sự quá khích của cộng đồng. Trong thực tế những năm gần đây, xã hội đã không ít lần ngao ngán trước những đám đông quá khích dẫn đến chuyện khó coi ở nhiều lễ hội. Từ chuyện ngất xỉu vì chen lấn xin ấn đền Trần (Nam Định) cho tới giẫm đạp lên nhau để tranh, cướp phết cầu may ở lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), cướp lộc chiếu ở lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), cướp giò hoa tre ở Hội Gióng (Hà Nội)...

Chuyên gia này cũng cho rằng ranh giới giữa văn hóa và phản cảm rất mong manh. Xưa lễ hội chỉ quanh quẩn trong một làng, một xã vài trăm dân, nay chỉ riêng mỗi xã đã hàng ngàn người, chưa kể người tứ phương cũng dự lễ hội bởi ngày nay việc đi lại rất dễ dàng. Thế nên khi quy mô lễ hội được mở rộng như ngày nay thì chắc chắn cần phải có sự quản lý để giữ lễ hội ở bên lằn ranh văn hóa.

Quản lý và nghiên cứu không thể tách rời nhau

"Ban tổ chức lễ hội cần chủ động tham vấn ý kiến cộng đồng trong việc xây dựng kế hoạch đổi mới cách thức tổ chức lễ hội cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc… Việc quản lý và nghiên cứu không thể tách rời nhau. Cán bộ ở các cơ quan chức năng muốn làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền để người tham gia lễ hội hiểu đúng, thực hiện đúng các nghi thức thì cần có sự hiểu biết chính xác. Việc đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ quản lý cần được thực hiện thường xuyên, bài bản", PGS.TS Nguyễn Phương Châm (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ ý kiến.

Theo GiaDinh