Hàng giả, hàng nhái 'hoành hành' thủ đoạn và công khai, đâu là giải pháp?

Phát hiện lượng lớn sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng

Theo ghi nhận của báo Công Thương, chỉ trong nửa cuối tháng 5, lực lượng chức năng liên ngành đã liên tục thu giữ hàng nghìn sản phẩm làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng ở ngay trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đơn cử, mới đây khi các đội Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh thời trang trên các tuyến phố Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Hàng Đường… đã phát hiện và thu giữ số lượng hơn 2.000 sản phẩm áo, quần, túi, ví, phụ kiện thời trang giả mạo các nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Hemes, Dior, Lascote, Burberry… Đa phần sản phẩm không kèm theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

hang-gia-hang-nhai-hoanh-hanh-thu-doan-va-cong-khai-dau-la-giai-phap

Hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng rộng khắp và lan tỏa ở hầu khắp các mặt hàng thiết yếu.  

Đáng chú ý, theo đại diện Tổng cục QLTT, các cửa hàng vi phạm đều là các cửa hàng đã bị thu giữ số lượng lớn hàng giả, hàng nhái và ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại hồi đầu năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi hết thời hạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, các cửa hàng này lại tiếp tục buôn bán hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng.

Tình trạng này cũng tương tự ở TP. Hồ Chí Minh. Vừa qua, các ngành chức năng đồng loạt ra quân, tiến hành kiểm tra tại 6 tụ điểm kinh doanh thuộc quận 1 và quận 10 TP. Hồ Chí Minh, phát hiện hàng chục nghìn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, Louis Vuitton…

Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài.

Nhiều phương thức, thủ đoạn lừa dối người tiêu dùng

Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái trên thị trường rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Hầu hết các hãng có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Thậm chí các sản phẩm nhái còn “đắt khách” hơn cả sản phẩm chính hãng do có lợi thế về giá cả.

Trước đó trả lời trên báo VOV, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho hay, lợi dụng tâm lý người tiêu dùng và nhu cầu thực tế của người dân đối với hàng hóa bảo đảm chất lượng của Việt Nam cũng như các nước phát triển (ít hóa chất độc hại), các đối tượng sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa dối người tiêu dùng.

Ông Đạt chỉ rõ, các thủ đoạn phương thức của các đối tượng ngày càng tinh vi phức tạp hơn, thậm chí có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ cao để đối phó các cơ quan chức năng khiến cho công tác chống hàng giả, hàng nhái càng trở nên khó khăn hơn.

Cũng theo ông Đạt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái tung hoành khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khó bề xoay xở. Có lúc hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75% và trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng.

Làm hàng giả phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Để kiềm chế tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm.

Bởi hiện nay, với các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, mức xử phạt cao nhất cũng không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, không có quy định về xử lý hình sự… đây là kẽ hở khiến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng.

Đồng quan điểm, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, các chế tài xử phạt của ta hiện nay chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chưa được chặt chẽ.

“Các vụ xử lý về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự còn rất ít thể hiện các chế tài sử phạt của Việt Nam chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Hơn nữa, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới mong được đối tác đối xử ngược lại như vậy với chúng ta”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Khi người mua kiên quyết tẩy chay các hàng hóa này, các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra.

Nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

An Dương (T/h)

Theo VietQ