Hàng hiệu xách tay giá chợ tràn lan, người Việt chen mua

Giá chỉ bằng 1/5 so với chính hãng, hàng hiệu xách tay trở nên hút khách và khiến dịch vụ này ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, những sản phẩm này luôn nhiều rủi ro về hàng nhái, giả.

Đầu tháng 4 năm nay, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu 5 Bộ gồm Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an và Y tế “siết chặt” hàng xách tay do những khó khăn về công tác quản lý. Tuy nhiên, hiện tại, các sản phẩm gắn mác “hàng xách tay” thuộc đủ các mặt hàng và thương hiệu vẫn được bày bán tràn lan tại thị trường TP.HCM.

Hàng hiệu giá chợ

Vừa bước ra khỏi một cửa hiệu chuyên bán quần áo xách tay trên Con đường thời trang Nguyễn Trãi (quận 5), chị Minh T. hồ hởi vì mua được cùng lúc 5 món đồ hiệu nhưng chỉ tốn chưa đến 2 triệu đồng. Chị cho hay đây là lần đầu tiên đến tìm và săn đồ hiệu tại cửa hàng này qua lời giới thiệu của đồng nghiệp.

“Trước đây, tôi thường mua sắm ở trung tâm thương mại nhưng giá ở đó dĩ nhiên không hề rẻ. Số quần áo này nếu xách ra từ các nơi sang chảnh đó chắc chắn phải hơn 5 triệu đồng. Trong khi đó, giá ở đây rẻ hơn rất nhiều, nhân viên bán cam kết hàng chính hãng, được người quen mang từ nước ngoài về nên không chịu thuế”, chị T. nói với vẻ tin tưởng.

Các cửa hàng thu hút khách nhờ việc gắn mác hàng xách tay với giá bèo.
Các cửa hàng thu hút khách nhờ việc gắn mác hàng xách tay với giá bèo.

Tương tự chị T., bên trong cửa hàng này, rất nhiều khách hàng nữ đang mải mê lựa chọn quần áo, đầm váy của nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như Warehouse, Burberry (Anh), Dolce & Gabbana, Gucci (Italia), Dior (Pháp)… Họ cho biết giá ở đây rẻ hơn so với các cửa hàng phân phối chính hãng hoặc giá niêm yết trên website của thương hiệu.

Theo quan sát, các sản phẩm được bán gắn cùng lúc 2 nhãn ghi thông tin chi tiết mặt hàng, bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên, 2 mức giá niêm yết lại rất khác nhau khi tiền VNĐ lại chênh nhau nhiều lần.

Chẳng hạn, một chiếc áo hiệu Warehouse có giá ghi bên trong là 63 USD, nhưng số tiền niêm yết mà người mua trả cho cửa hàng chỉ 220.000 đồng, tức bằng khoảng 1/6 so với số tiền ngoại đưa ra; một sản phẩm khác có giá 75 USD nhưng giá Việt chỉ bằng khoảng 1/7, ở mức 240.000 đồng.

Trên con đường Nguyễn Trãi, không ít shop bán hàng xách tay như cửa hàng này và nơi nào cũng tấp nập người mua sắm, nhất là các buổi tối.

Không chỉ các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hút khách mà mặt hàng điện tử như điện thoại di động, laptop cũng được gắn mác hàng xách tay, với giá rẻ hơn so với các nơi phân phối chính thức từ một đến vài triệu đồng.

Các cửa hàng sửa chữa điện thoại di động trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) nằm san sát nhau và thường đi kèm với dịch vụ mua bán điện thoại, laptop. Tại khu vực này, giá từng chiếc điện thoại rất cạnh tranh, thường không lệch nhau quá vài trăm nghìn đồng, và thấp hơn rất nhiều so với các cửa hàng khác.

“iPhone, iPad, Samsung hay các thương hiệu lớn khác chúng tôi cũng đều có. Hàng này được người thân mang từ nước ngoài về, không phải đóng thuế nên giá cả chắc chắn thấp hơn nhiều so với các nơi phân phối chính thức”, anh V. chủ một cửa hàng bán điện thoại di động nói.

Với lý do không bị đánh thuế khi qua hải quan, hầu hết cửa hàng trên con đường này đều cam kết sản phẩm họ bán là hàng chính hãng, bảo hành đầy đủ nên khách hàng cứ yên tâm.

Từ online ra cửa hiệu

Dạo một số tuyến đường ở TP.HCM như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Hồng Phong, Quang Trung, Trần Huy Liệu… không khó bắt gặp các biển quảng cáo hàng hiệu xách tay do chính cửa hàng cung cấp.

Nếu trước đây, mặt hàng không phải đóng thuế này được rao bán trên mạng để tránh lực lượng chức năng kiểm tra thì hiện nay, những người kinh doanh đã ngang nhiên chào hàng với những quảng cáo hấp dẫn như “hàng xách tay chính hãng”, “hàng xách tay giá rẻ”, “xách tay hàng Mỹ, Nhật, Pháp”, “hàng Nhật nội địa”, “mỹ phẩm Hàn Quốc xách tay”…

Hàng hiệu xách tay giá chợ tràn lan, người Việt chen mua
Nhiều cửa hàng mang danh bán hàng xách tay ra đời. Ảnh minh họa.

Vì ăn nên làm ra, những cửa hàng thế này cứ liên tục mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu chuộng hàng ngoại, nhưng giá phải rẻ của nhiều người.

Chị Mỹ Th., chủ một cửa hàng nhỏ kinh doanh mỹ phẩm xách tay trên đường Trần Huy Liệu, cho biết 2 năm trước, chị mở shop online, việc kinh doanh khấm khá và có nhiều khách nên quyết định thuê mặt bằng để tiếp cận nhiều đối tượng hơn.

“Từ khi mở cửa hàng, tôi vừa duy trì được khách hàng cũ vừa có thêm nhiều khách mới, nói chung là ăn nên làm ra nhờ bán hàng xách tay. Khách hàng cần sản phẩm mới, số lượng nhiều, tôi cũng có đủ nguồn để cung cấp”, chị Th. khẳng định.

Tương tự, hầu hết cửa hàng này đều cam kết luôn có những mẫu mới, số lượng nhiều trong khi thực tế, hàng xách tay được đưa về nước khá hạn chế do các quy định về hải quan khi vận chuyển qua đường hàng không với định mức hành lý dưới dạng quà tặng không vượt quá 10 triệu đồng.

Không có chuyện hàng xuất dư nhiều như vậy

Biện minh về việc số lượng hàng hiệu xách tay quá nhiều, các cửa hàng kinh doanh này còn đưa ra một lý do khác là hàng xuất dư trong nước. Vì có mối quan hệ với các đơn vị cung cấp nên lượng sản phẩm dư sau khi xuất khẩu theo đơn hàng được “tuồng” ra ngoài.

Tuy nhiên, chị Mai K., từng làm quản lý dây chuyền gia công cho một thương hiệu giày nổi tiếng thế giới tại khu công nghiệp Tân Tạo, lại khẳng định, không thể tồn tại một lượng hàng xuất dư khổng lồ như theo giới thiệu của các cửa hàng kinh doanh.

Chị cho hay do là các thương hiệu quốc tế nên các công ty này có quy định rất nghiệm ngặt về quy trình sản xuất, họ cũng hạn chế tối đa các sản phẩm lỗi.

“Bất cứ sản phẩm nào bị lỗi đều bị mang đi tiêu hủy dưới sự chứng kiến của rất nhiều bộ phận. Nếu phát hiện trường hợp sản phẩm lỗi bị tuồn ra ngoài, công ty sẽ bị cắt hợp đồng ngay. Trường hợp nhân công nào đánh cắp ra ngoài bán có thể bị xử lý theo pháp luật”, chị nói.

Tương tự, đại diện một thương hiệu mỹ phẩm lớn trên thế giới tại Việt Nam cũng chia sẻ với Zing.vn, hiện nay, mỹ phẩm là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng ở thị trường trong nước rất nhiều. Các đơn vị kinh doanh lợi dụng mác hàng xách tay để trộn vào hàng kém chất lượng.

Theo vị này, mỹ phẩm dỏm thường có giá chỉ bằng 1/3 so với hàng chính hãng. Đồng thời, logo, tem, nhãn hiệu và bao bì, hình thức bên ngoài cũng không chất lượng bằng hàng chính hãng, do đó, người mua cần đề phòng các sản phẩm giá rẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xử lý 2.534 vụ vi phạm về hàng hóa, 1.819 vụ vi phạm từ hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Tổng giá trị tiền thu phạt hành chính, bán hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 52,3 tỷ đồng.

Trước việc phát triển nhanh chóng của mặt hàng xách tay, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo 5 bộ, ngành tăng cường quản lý mặt hàng này.

Theo đó, Bộ Công an đấu tranh, triệt phá các đường dây lợi dụng chính sách đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để buôn lậu hàng hóa tại các cửa khẩu sân bay quốc tế. Bộ Tài chính tăng cường giám sát hàng biếu, tặng từ nước ngoài về Việt Nam, khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức để thống nhất kiểm soát nguồn hàng.

Các Bộ Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý chuyên ngành đối với nhóm hàng xách tay.

Theo Zing