Hạt vi nhựa làm ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo hạt vi nhựa đang là thủ phạm làm ô nhiễm không khí nghiêm trọng cần phải ứng cứu khẩn cấp.

Hạt vi nhựa có mặt ở khắp mọi nơi từ thực phẩm, nước uống cho tới không khí

Báo Tài nguyên và Môi trường dẫn thông tin từ Guardian, trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về sự ô nhiễm đáng kể của bầu khí quyển và yêu cầu nghiên cứu khẩn cấp về các tác động sức khỏe tiềm ẩn đối với con người.

Theo nghiên cứu này, nồng độ ô nhiễm vi mô đã được tìm thấy trong tuyết từ Bắc Cực đến dãy Alps. Nghiên cứu cũng cho thấy tuyết thu giữ các hạt từ không khí khi nó rơi xuống và các mẫu băng trôi trên đại dương từ Greenland đến Svalbard chứa trung bình 1.760 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước. Thậm chí nhiều hơn - trung bình 24.600 mỗi lít xuất hiện tại các khu vực châu Âu.

Các nhà khoa học nhận định, gió là một yếu tố chính lan truyền ô nhiễm hạt vi nhựa trên toàn cầu. Trước thực trạng này, các nhà khoa học kêu gọi nghiên cứu về tác dụng của hạt vi nhựa trong không khí đối với sức khỏe con người, chỉ ra một nghiên cứu trước đó đã tìm thấy các hạt trong mô phổi của người ung thư.

hat-vi-nhua-lam-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong

 Hạt vi nhựa đang làm ô nhiễm không khí nghiêm trọng 

Hồi tháng 6/2019, một nghiên cứu khác cho thấy con người ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Nhiều triệu tấn nhựa bị thải ra môi trường mỗi năm và bị phân hủy thành các hạt nhỏ và sợi không phân hủy sinh học. Những hạt này, được gọi là hạt vi nhựa (microplastic) hiện đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ vùng núi cao đến đại dương sâu và có thể mang theo hóa chất độc hại và vi khuẩn gây hại.

Các nhà khoa học cho biết thêm, hạt vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa ở trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10/2018 – bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa. Thực tế, phần lớn thực phẩm và nước uống vẫn chưa được kiểm tra, và nghiên cứu trên chỉ mới ước tính 15% lượng calorie mà con người tiêu thụ.

“Con số có thể lớn hơn nhiều. Vẫn còn một lượng dữ liệu khổng lồ cần được bổ sung” – ông Kieran Cox, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Victoria (Canada), nhìn nhận.

Những thực phẩm khác như bánh mì, thực phẩm chế biến, thịt, sản phẩm bơ sữa và rau quả cũng có thể chứa các hạt vi nhựa, nhà nghiên cứu Kieran Cox cho biết. “Khả năng cao là sẽ có rất nhiều hạt vi nhựa trong các thực phẩm này. Con số có thể lên đến hàng trăm ngàn”.

Hạt vi nhựa trong thực phẩm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế): Mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Đã có tổng cộng 9 loại hạt nhựa được phát hiện trong cơ thể người, phổ biến nhất là nhựa PP và nhựa PET thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Điều đáng nói là cứ một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe con người. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Tuy nhiên, hiện nay các bằng chứng khoa học vẫn chưa đủ thuyết phục để đề xuất các quy định về giới hạn cho phép hàm lượng các vi nhựa trong nước và thực phẩm. Việc này đòi hỏi cần có sự đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của vi nhựa và nano nhựa lên sức khỏe con người.

Hạt vi nhựa ở khắp mọi nơi bằng cách nào?

Tiến sĩ Melanie Bergmann thuộc Viện nghiên cứu vùng cực và đại dương Alfred Wegener ở Đức cho biết: về cơ bản, gió có thể thổi các hạt này đi khắp nơi. Phấn hoa và bụi từ Sahara được cho là bị thổi bay trong một khoảng cách dài. Cũng như các tảng băng ở Bắc Cực, 22 mẫu bao gồm tuyết từ Svalbard, một hòn đảo nằm ở phía Bắc của vòng Bắc Cực, từ dãy núi Alps của Đức và Thụy Sĩ và thành phố Bremen ở Đức. Nhóm nghiên cứu phát hiện các hạt nhỏ nhất xuất hiện phổ biến nhất, nhưng thiết bị của họ không thể phát hiện các hạt nhỏ hơn 11 micron.

Trước đây các nhà khoa học cũng đã tìm thấy 12.000 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước trong các mẫu băng biển Bắc Cực. Một số hạt vi nhựa xuất phát từ các khu vực đông dân bởi các dòng hải lưu, nhưng phân tích các mẫu tuyết cho thấy đa số loại hạt này bị gió thổi.

“Sẽ còn nhiều hạt vi nhựa nhỏ hơn hạt có kích thước theo phát hiện của chúng tôi. Điều đáng lo ngại là nếu các hạt siêu nhỏ này tồn tại, chúng có thể đạt đến quy mô nano, chúng có thể xâm nhập màng tế bào và di chuyển vào các cơ quan dễ dàng hơn nhiều so với các hạt lớn hơn” – Bergmann nhấn mạnh.

Tiến sĩ Melanie Bergmann cho biết thêm: “Chúng tôi thực sự cần nghiên cứu về khía cạnh sức khỏe của con người. Hiện tại có rất nhiều nghiên cứu được công bố về hạt vi nhựa nhưng không cụ thể về tác động của chúng đối với sức khỏe con người và điều đó thực sự kỳ lạ đối với tôi”. Theo Bergmann, hạt vi nhựa nên được đưa vào các chương trình giám sát ô nhiễm không khí. 

Con người cần làm gì để tránh hấp thụ hạt vi nhựa?

Tính đến thời điểm này, tại nhiều quốc gia đã có lệnh cấm đối với đồ nhựa sử dụng 1 lần bởi những lo ngại rằng hóa chất trong nhựa sẽ gây ra các bệnh ngộ độc, vô sinh hay gián đoạn di truyền cho cả con người và sinh vật biển.

Việc cần làm ngay bây giờ là hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa trong chăm sóc cá nhân, từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, các chai nhựa, cốc, ống hút một lần.

Tại Việt Nam, trong khi chờ đợi các quy định cụ thể, việc cần làm ngay bây giờ là hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa trong chăm sóc cá nhân, từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, các chai nhựa, cốc, ống hút một lần.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần có một chế tài đủ mạnh để việc phân loại rác nhựa tại nguồn hay tại các địa điểm công cộng được thực hiện quy củ hơn. Hạn chế tối đa việc xả thải nhựa trực tiếp ra môi trường biển là cách tốt nhất để ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm môi trường và bảo vệ tốt cho sức khỏe con người.

Theo VietQ