Hé lộ chuyện từ chối 2 tỷ USD từ Coca Cola và những tỷ phú USD giấu mặt ở Việt Nam

Nếu đồng ý với thương vụ 2 tỷ USD, ông Trần Quý Thanh sẽ là một trong những tỷ phú đô la của Việt Nam.

Trong cuốn sách được Forbesbook xuất bản có tên Competing with Giants (tạm dịch: Cạnh tranh với người khổng lồ) có nhắc đến thương vụ “khủng” giữa ông Trần Quý Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Coca Cola. Theo đó, vào năm 2011, ông Thanh đã từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD đề nghị mua cổ phần chi phối từ Coca Cola.

Nếu đồng ý với thương vụ M&A này, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, trong danh sách của Forbes.

Hé lộ chuyện từ chối 2 tỷ USD từ Coca Cola và những tỷ phú USD giấu mặt ở Việt Nam

 Ông Trần Quý Thanh

Thương vụ này cũng được chính ông Trần Quý Thanh tiết lộ trong một bài viết có tên "How to Invest In Vietnam's Explosive Growth" (tạm dịch: Làm thế nào để đầu tư vào sự tăng trưởng bùng nổ của Việt Nam) của The Street.

Theo đó, lý do khiến ông không đồng ý với Coca Cola là do hãng giải khát khổng lồ đã đưa ra một yêu cầu mà ông không chấp nhận, đó là Tân Hiệp Phát không được xuất khẩu hoặc phát triển thêm các dòng sản phẩm mới.

Ông Thanh đánh giá, yêu cầu này của Coca Cola giống như cách mà hãng này muốn đóng băng hoạt động của đối thủ hơn là đầu tư vào nó. Bên cạnh đó, thời điểm đó, Tân Hiệp Phát cũng đang phát triển 2 dòng sản phẩm mới là Trà xanh Không độ và Trà thảo mộc Dr Thanh.

Quyết định từ chối khoản tiền “khủng” cuối cùng đối với ông Trần Quý Thanh và Tân Hiệp Phát cho đến nay, dường như đã là một quyết định đúng đắn.

Hiện nay, theo Street, Tân Hiệp Phát đạt doanh thu mỗi năm lên tới hàng trăm triệu USD, là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất Việt Nam.

The Street đánh giá, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong ngành nước giải khát có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp FDI như Coca Cola, Pepsi. 

Như vậy, với việc sở hữu 100% cổ phần ở Tân Hiệp Phát, nếu ông Trần Quý Thanh niêm yết công ty trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), thì danh sách tỷ phú USD của Forbes chắc chắn sẽ gọi tên ông. Hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes, Việt Nam có 2 cái tên “vững vàng” là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.

Ngoài ra, 2 cái tên cũng từng lọt vào danh sách là ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Ôtô Trường Hải và ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát (Hoà Phát Group) ở thời điểm tháng 3/2018. Khi đó, ông Trần Bá Dương có tài sản 1,8 tỷ USD còn ông Trần Đình Long sở hữu 1,3 tỷ USD.

Đáng chú ý là cũng thời điểm đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC giữ vị trí giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam, với tài sản trên sàn chứng khoán trị giá 44.590 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,96 tỷ USD, nhưng không được Forbes gọi tên.

Một cái tên khác cũng chưa được Forbes gọi tên thời điểm đó là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan. Vào đầu năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang được Tạp chí Bloomberg xếp hạng là tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Khi đó, theo Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang ở mức 1,2 tỷ USD.

Trước đó, ở thời điểm năm 2013, khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng được Forbes gọi tên, tiến sĩ tài chính Alan Phan từng nêu quan điểm cho biết: “Tôi biết còn nhiều người giàu hơn ông Vượng rất nhiều. Chỉ tính tiền mặt của họ đã là con số khổng lồ nhưng người ta ẩn danh”.

Hé lộ chuyện từ chối 2 tỷ USD từ Coca Cola và những tỷ phú USD giấu mặt ở Việt Nam

 

Hé lộ chuyện từ chối 2 tỷ USD từ Coca Cola và những tỷ phú USD giấu mặt ở Việt Nam

 Ông Vũ Văn Tiền và bà Nguyễn Thị Nga - những đại gia kín tiếng ở Việt Nam.

TS Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa Hartcourt, công ty tư nhân của mình lên niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ (1987). Ông cũng là doanh nhân Việt đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997).

Khi đó, ông có nhắc đến một nữ doanh nhân giàu có, dự đoán người này có thể sớm góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes. Đó là bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, chủ nhân hàng loạt BĐS “khủng” như: KS Hilton, KS Thắng Lợi, KS Sông Nhuệ, Intimex, các sân golf trải trên nhiều tỉnh thành...

Bên cạnh đó, một số cái tên khác cũng được nhắc tới sẽ trở thành tỷ phú đô la của Việt Nam như ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco, "chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển... Tuy nhiên, cho tới nay, các đại gia này vẫn kín tiếng.

Ngoài ra, hàng loạt đại gia, doanh nhân gắn liền với các công ty gia đình trị nhưng kín tiếng như Tập đoàn Hoàn Cầu, dòng họ Lý Quý, Trương gia, Nguyễn Thị Điền (An Phước), Đỗ Quang Hiển (T&T Group); Đỗ Minh Phú (Doji), Vũ Quang Hội (Bitexco) hay Đoàn Quốc Việt (BIMGroup)...

Đây cũng là những đại gia thực sự giàu có của Việt Nam nhưng dường như họ vẫn chưa muốn công khai khối tài sản khổng lồ của mình.

Theo VietQ