Hết dịch tả rồi đến sán lợn, người chăn nuôi nuốt nước mắt bán tống bán tháo loài vật này

Dịch tả lợn Châu Phi chưa qua lại đến thông tin hàng trăm em học sinh bị nhiễm sán lợn khiến nhiều người e ngại với việc ăn thịt lợn khiến giá lợn hơi giảm trầm trọng, người chăn nuôi lao đao.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tại Việt Nam, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng, đến nay đã có 18 tỉnh, thành xuất hiện dịch này. Trong đó chủ yếu là các tỉnh miền Bắc, nhất là tỉnh Bắc Ninh.

Trong khi dịch tả lợn Châu Phi ở các tỉnh phía Bắc vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" thì thông tin hàng trăm em học sinh ở tình Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn do ăn phải thịt lợn bẩn càng khiến nhiều người hoang mang lo lắng.

Hai luồng thông tin ập đến khiến giá thịt lợn những ngày gần đây bị ép giảm khá mạnh.

Theo khảo sát, giá lợn hơi tại Hà Nội giảm xuống mức 35.000 đồng/kg đối với thịt lợn hơi thường, còn thịt lợn hơi loại siêu nạc loại 1 chỉ từ 38.000 – 40.000 đồng/kg. Trước khi có dịch, giá lợn hơi được bán trên dưới 45.000 đồng/kg.

het-dich-ta-roi-den-san-lon-nguoi-chan-nuoi-nuot-nuoc-mat-ban-tong-ban-thao-loai-vat-nay

Tính đến thời điểm hiện tại đã 18 tỉnh ở Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa.

Giá thịt lợn hơi xuống thấp và có chiều hướng tiếp tục giảm sâu đang khiến các hộ chăn nuôi không khỏi lo lắng.

Bà Lê Thị Nam (thôn Tân Ngữ 2, Định Long, Thanh Hóa) lo lắng cho đàn lợn gồm 150 con nái sinh sản và 300 con lợn thịt của mình. Số lượng đàn không nhiều, nhưng đối với gia đình bà đó là một gia tài lớn.

“Đầu tháng 2 đã có nhiều thương lái đến nhà tôi hỏi mua, nhưng khi có thông tin dịch tả, họ không mua nữa. Trang trại 13.000m2 mỗi ngày phun hóa chất đã hết gần 2 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn mỗi ngày mà lợn không thể xuất bán. Người chăn nuôi chúng tôi đang rất khổ sở” - bà Nam chia sẻ trên báo Giao Thông.

Những giọt nước mắt khắc khổ của bà Nam cũng là những giọt nước mắt của hàng trăm hộ nuôi mỗi lần phải “gồng mình” gánh dịch, lo trượt giá.

Anh Phạm Văn Tạo, chủ trang trại lợn quy mô 300 con ở Tứ Kỳ, Hải Dương (người thường xuyên bán lợn hơi ra thị trường tự do) cho biết trên Tuổi Trẻ: Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giá lợn hơi đẹp, không mắc bệnh vẫn rớt không phanh, xuống dưới 40.000 đồng/kg và thậm chí có nhà còn cho xuất chuồng ở giá 36.000 - 37.000 đồng/kg, thấp hơn giá hỗ trợ của nhà nước với lợn nhiễm dịch là 38.000 đồng.

Theo anh Tạo, sở dĩ người chăn nuôi bán tống bán tháo lợn lành dưới giá hỗ trợ lợn dịch là do tâm lý lo lắng khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, liên tiếp phát hiện những điểm dịch mới, hễ lợn nhiễm bệnh 100% sẽ chết.

Tại khu vực Thúy Lĩnh, Hoàng Mai (ổ dịch thứ 3 tại Hà Nội), người dân cho biết, bình thường mức giá xuất chuồng là 47.000 đồng/kg nhưng khi có dịch, giá lợn hơi giảm còn 38.000 đồng/kg. Dù chấp nhận giảm giá, lợn vẫn chưa được phép xuất chuồng.

het-dich-ta-roi-den-san-lon-nguoi-chan-nuoi-nuot-nuoc-mat-ban-tong-ban-thao-loai-vat-nay

Một quầy thịt lợn ở phường Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngày thường rất đông khách, nay cũng đóng cửa. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô.

Tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa…, người dân cũng bán tháo đàn lợn vì lo lắng dù dịch bệnh chưa xuất hiện ở các khu vực này.

Anh Đỗ Văn Thuận, chủ một trại lợn tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã bán bớt 50 con lợn nái trong tổng đàn 70 con lợn nái của gia đình. Cùng với đó, gần 200 con lợn thịt cũng được anh xuất bán.

Theo anh Thuận, cả tháng nay, cứ nghe tin dịch bệnh ASF nên lo lắng. Những ngày qua, nghe thông tin bệnh lây lan nhanh nên càng lo lắng hơn. “Chính vì vậy, tôi quyết định bán bớt heo để đỡ lo”, anh Thuận cho biết trên Dân Trí.

Không chỉ anh Thuận, nhiều hộ chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con cũng đang “bán đổ, bán tháo” heo.

“Giá heo đang càng ngày càng xuống do tâm lý lo ngại tiêu dùng thịt heo vì dịch bệnh. Sau Tết giá heo còn ở mức trên 50.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 43.000 đến 44.000 đồng/kg. Dự đoán giá heo còn giảm nữa nên người chăn nuôi cũng đua nhau bán heo để vớt vát”, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết.

Điều đáng nói, trong khi người chăn nuôi đang thấp thỏm lo lắng từng ngày, từng giờ thì trên nhiều trang mạng xã hội, những thông tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi đã như giáng thêm một đòn “chí mạng”với họ. Đó là những status kêu gọi người dân đừng ăn thịt lợn vì sẽ lây bệnh dịch tả lợn châu Phi sang người.

Đứng trước những thông tin sai sự thật, gây bất lợi cho người nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Theo GiaDinh