Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu: "Nóng" chuyện Thu Ngân và nghĩa vụ của một Hoa hậu

Cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu vừa chính thức khởi động mùa 2 với giá trị giải thưởng lên đến 7 tỷ đồng. Năm nay, cuộc thi có nhiều điểm mới nhưng điều khiến công chúng quan tâm hơn cả là câu chuyện trách nghiệm và nghĩa vụ của một hoa hậu, chứ không phải chỉ để xây dựng hình ảnh cá nhân và kiếm một tấm chồng xứng đôi vừa lứa.

Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu:

Hoa hậu Thu Ngân lên xe hoa sớm, để lại nhiều nuối tiếc cho công chúng. ảnh: TL

Trách nhiệm của Hoa hậu đến đâu?

Trong khi các cuộc thi hoa hậu thường “đau đầu” vì những than phiền liên quan đến sắc đẹp của người đăng quang thì với Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu, cho đến nay vẫn khá tự hào vì tìm ra được gương mặt xứng đáng, thuận tình với số đông công chúng. Thế nhưng, sau khi đăng quang, cô đã để lại sự nuối tiếc không nhỏ khi “theo chồng bỏ cuộc chơi” khá sớm, chỉ 5 tháng sau khi đăng quang. Mặc dù bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi khẳng định rằng, Thu Ngân vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội của BTC đặt ra nhưng chắc chắn, với việc chăm sóc gia đình, lại tiếp tục sang Thụy Sỹ du học sẽ khó mà không ảnh hưởng đến vai trò trách nhiệm của một đương kim hoa hậu.

Nói về việc có nên ràng buộc thí sinh sau khi đăng quang phải thực hiện nghĩa vụ cộng đồng và không lập gia đình, bà Kiều Dung cũng cho biết: “Hiện nay, chưa có quy định nào về việc thí sinh không được lấy chồng sau khi đăng quang.

Trước đây, Hoa hậu Việt Nam có quy định Hoa hậu phải cam kết thực hiện các hoạt động cộng đồng xã hội trong 2 năm, nhưng cũng không ràng buộc thí sinh có được lập gia đình trong 2 năm đăng quang hay không. Chúng tôi cũng không có cam kết nào về vấn đề này, tuy nhiên thí sinh sau khi đăng quang phải ý thức về trách nhiệm của mình với cộng động, các hoạt động từ thiện”.

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các cuộc thi sắc đẹp đều rất chú trọng đến các hoạt động xã hội, từ thiện và ban giám khảo thường quan sát rất kỹ những hành động, ứng xử của các thi sinh trong các hoạt động này. Bởi thi Hoa hậu là đánh giá về sắc đẹp, nhưng bước ra khỏi cuộc thi, họ sẽ phải dùng danh hiệu đó để tạo ra những đóng góp có ý nghĩa cho cộng đồng.

Bắt đầu từ năm 2016, Hoa hậu Việt Nam đã đưa các dự án nhân ái của thí sinh vào cuộc thi, nhằm hướng đến các hoạt động thực chất hơn. Đây cũng là điều mà Hoa hậu Thế giới rất chú trọng để đánh giá sự tài sắc và toàn vẹn của một hoa hậu, phải biết biến sức mạnh của mình thành hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp ở mắt nhìn.

Trong khi đó tại Việt Nam, một năm có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức nhưng chẳng mấy khi câu chuyện trách nhiệm của một Hoa hậu được đặt ra một cách nghiêm túc. Không ít trong số đó thậm chí còn coi danh hiệu là cơ hội để kiếm tiền, kiếm chồng đại gia… còn nghĩa vụ chỉ được thực hiện như “trả bài” hoặc nhằm mục đích PR cho bản thân. Chính vì vậy mà nhìn vào cuộc sống của các Hoa hậu hiện nay, nhiều cô gái trẻ đã không tránh được cái nhìn ngộ nhận, coi đó là cơ hội để đổi đời nhiều hơn là để đóng góp. Điều này đã đi ngược lại với mong muốn mà các cuộc thi Hoa hậu hướng đến, làm giảm đi giá trị của chiếc vương miện danh giá.

Liên quan đến vấn đề này, một người làm công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn cho biết, sau khi đăng quang, các hoa hậu đều phải ký cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình với BTC. Hoa hậu cũng có những ưu ái, đặc quyền, lợi ích mang lại từ danh hiệu, vì vậy Hoa hậu buộc phải có những tố chất và những nghĩa vụ đi kèm với danh hiệu.

Nhưng một thực tế cho thấy rằng, BTC các cuộc thi Hoa hậu đều giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vì thế những vấn đề xảy ra với hoa hậu sau khi đăng quang thường không ai chịu trách nhiệm giải quyết. Đây cũng là một trong những khó khăn trong việc xử lý các vấn đề sau đăng quang và việc thiếu định hướng cho Hoa hậu sau cuộc thi.

NTK Việt Hùng - người được coi là khá “mát tay” cho các thí sinh dành vương miện đã rất thẳng thắn khi nói về hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo: “Thảo là một người học trò nên thành công của Thảo, hạnh phúc của Thảo, tôi đều chúc mừng. Nhưng nếu các cô gái trẻ lấy đó là một hình mẫu chuẩn mực thì tôi thấy tiếc. Nếu vậy, hai chữ Hoa hậu sẽ không còn giá trị nữa. Làm Hoa hậu là phải biết cống hiến, đền đáp lại niềm tin công chúng đã dành cho họ. Thứ hai là phải biết sống sao cho xứng đáng với hai chữ “hoa hậu”.

Vì không phải cô gái đẹp nào cũng đội trên đầu vương miện Hoa hậu. Chính lối sống và hành động của các Hoa hậu mới giúp khẳng định độ sáng của chiếc vương miện. Điều đó không ban tổ chức, ê-kíp hay ống kính truyền thông nào có thể làm thay các bạn. Nhưng Thảo cũng giống như nhiều hoa hậu khác, cuối cùng cũng tìm cho mình bến đỗ để tận hưởng hạnh phúc riêng. Cô ấy không có hoạt động cộng đồng gì nổi bật". Điều này có lẽ không chỉ đúng với Hoa hậu Đặng Thu Thảo mà có lẽ còn “chạm nọc” rất nhiều Hoa hậu khác sau khi đã có danh hiệu.

Vẫn thi bikini

Cũng như Hoa hậu Việt Nam, phần thi bikini ở cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, BTC cho biết, phần thi này vẫn sẽ được giữ nguyên. Bên cạnh đó, một phần thi mới được áp dụng cho cuộc thi là sản xuất phiên bản truyền hình thực tế cho "Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2018". Theo bà Trang Lê, Tổng Giám đốc Công ty Multimedia JSC, dự kiến, mỗi tập phát sóng sẽ xoay quanh những chủ đề khác nhau trong việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ Á Đông đậm chất truyền thống nhưng vẫn tự tin và bản lĩnh trong sự kết nối và hội nhập.

Những thử thách trong chương trình không chỉ là cơ hội để thí sinh có thể chứng tỏ sự am hiểu về kiến thức xã hội, các giá trị văn hoá, di sản, đất nước con người Việt Nam mà thông qua đó, những kiến thức này cũng sẽ được truyền tải đến công chúng một cách thú vị và hấp dẫn nhất. Đây là cơ hội để khán giả truyền hình có thể đánh giá rõ nét và công tâm tiến bộ của từng thí sinh qua các tuần thi, từ đó lựa chọn ra cô gái xứng đáng nhất bước lên bục vinh quang và nhận danh hiệu Hoa hậu", bà Trang Lê cho hay.

Trước câu hỏi, việc đưa truyền hình thực tế vào có làm giảm đi bản sắc của một cuộc thi Hoa hậu? Biên đạo múa Trần Ly Ly - thành viên ban giám khảo cho biết: “Trước đây, chúng ta chỉ chấm thi trên tiêu chí nhân trắc học, thí sinh phải cân đối về cơ thể, mặt mũi nhưng về sau, càng ngày càng có nhiều tiêu chí. Dĩ nhiên, phải đẹp mới là Hoa hậu rồi, ở cuộc thi này Hoa hậu phải có thêm cả trí tuệ, kiến thức để hội nhập với thế giới. Việc sản xuất theo dạng truyền hình thực tế cũng giúp cả giám khảo và khán giả quan sát các thí sinh tốt hơn, từ đó chọn ra người xứng đáng cho Hoa hậu”.

Được biết, tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi năm nay lên tới 7 tỷ đồng. Chỉ cần lọt vào Top 10, thí sinh sẽ nhận ngay phần thưởng gồm tiền mặt và hiện vật có tổng giá trị 250 triệu đồng. Tổng giá trị giải thưởng cho Hoa hậu lên tới 2 tỷ đồng. BTC có kế hoạch cử Hoa hậu tham gia vào cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) vào năm 2019. Dự kiến, vòng chung kết Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Theo GiaDinh