Học sinh Trường Gateway tử vong trên xe buýt: Chất lượng dịch vụ xe buýt học sinh đang được "thả nổi"?

Từ vụ việc nam học sinh lớp 1 Trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) bị tử vong do bị quên trên xe buýt này cho thấy, quy trình và chất lượng dịch vụ đưa đón học sinh hiện nay mỗi nơi một kiểu, còn cơ quan chức năng chủ yếu quản lý bằng… văn bản.

Chưa có quy định cụ thể về xe buýt học sinh

Trong 3 ngày qua, sự ra đi của một học sinh lớp 1 tại trường Gateway khiến dư luận đặc biệt quan tâm, xót xa cho cháu bé mãi mãi ra đi vì một sự cố không đáng có. Đáng buồn hơn, vụ việc này liên quan đến sự tắc trách của người lớn, là những người tham gia hoạt động quản lý, đưa đón học sinh bằng dịch vụ xe bus tại trường Gateway.

Ngày 7/8, cơ quan chức năng quận Cầu Giấy cũng đã chính thức có thông tin ban đầu về vụ việc, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận ra quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người để điều tra làm rõ.

Liên quan tới vụ việc nói trên, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy cho biết, hiện nay chưa có quy trình nào cụ thể trong đưa đón học sinh, cũng như quy định rõ ràng về việc này. Chỉ có các quy định bằng văn bản chỉ đạo thực hiện an toàn trong đưa đón học sinh. Còn cách thức đưa đón, từng trường có biện pháp quản lý riêng.

hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-tren-xe-buyt-chat-luong-dich-vu-xe-buyt-hoc-sinh-dang-duoc-tha-noi

Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy thông tin vụ việc xảy ra tại trường Gateway. Ảnh: Q.A

"Về quy trình đưa đón học sinh tại trường Gateway, trường quản lý bằng phần mềm và có hệ thống thông báo cho phụ huynh, tuy nhiên đã có sự cố xảy ra. Phòng cũng đã tham mưu cho UBND quận ra văn bản chỉ đạo các trường về đảm bảo an toàn cho học sinh, trong đó chú trọng đến việc đưa đón và giao nhận học sinh" - ông Phạm Ngọc Anh chia sẻ thêm.

Từ vụ việc xảy ra tại trường Gateway, cũng như sự "lúng túng" trong công tác quản lý của cơ quan chức năng cho thấy bất cập hiện nay trong hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh bằng ôtô hiện nay. Vấn đề này không chỉ bây giờ, mà từ nhiều năm trước cũng đã được đề cập, song cơ quan chức năng quản lý chủ yếu vẫn chỉ là bằng văn bản, chưa có hoạt động kiểm tra, quy trình đưa đón.

Mối lo từ phụ huynh đến cả nhà trường

Chỉ trước một ngày khi sự việc đau lòng nói trên xảy ra, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT yêu cầu chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn có hợp đồng xe ôtô đưa, đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng. 

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra những bất cập hiện nay như: chất lượng xe không đảm bảo; ý thức lái xe không cao; hiểu biết pháp luật giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu...

Bộ GD&ĐT cho biết, tới đây sẽ phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nghiên cứu hướng dẫn, quy định cụ thể hơn các tiêu chí đối với dịch vụ này theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể, trách nhiệm các bên liên quan; các chỉ báo dán mác/màu xe… để dịch vụ này được đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối cho học sinh.

hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-tren-xe-buyt-chat-luong-dich-vu-xe-buyt-hoc-sinh-dang-duoc-tha-noi

Học sinh lớp 1 trường Gateway được đưa đi cấp cứu, song đã quá muộn. Ảnh cắt từ clip

Trong khi "chờ" cơ quan chức năng xây dựng quy trình, quản lý hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt an toàn, rất nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng sau vụ việc trên. 

Dưới góc của một phụ huynh, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây nhiều trường với tên tọi "quốc tế" ở Hà Nội mọc lên khá nhiều với mức học phí rất cao, nhiều loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh.

Tuy nhiên, theo Luật sư Cường, thông tin học sinh bị nhà trường bỏ quên trên xe khiến cháu bé tử vong sẽ khiến nhiều người thực sự sốc, cảm thấy lo lắng cho con em mình khi đi học bằng xe buýt. Việc đưa đón học sinh là một việc làm đòi hỏi phải hết sức thận trọng, phải được đào tạo tỷ mỷ trước khi thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình di chuyển, tham gia giao thông.

Không chỉ phụ huynh, một số trường ngoài công lập tại Hà Nội cũng đã tổ chức rút kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho học sinh trường mình. Tại trường Marie Curie (Hà Nội), thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường đã nhắc nhở trong toàn hệ thống về những việc cụ thể cần làm trong hoạt động đưa đón học sinh. Học sinh có thể ngủ quên trên xe. Do đó, trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa xe về bãi tập kết; Lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kĩ trước khi đóng/mở cửa xe và chuyển bánh...".

Theo GiaDinh