Hơn cả Vũ Hán, chủng virus ở Bắc Kinh lan nhanh 'ngoài sức tưởng tượng', EU muốn nới lỏng thử nghiệm thuốc điều trị covid-19

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chủng virus corona mới phát hiện tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh khác với mầm bệnh từ Vũ Hán, tốc độ lây lan nhanh "ngoài sức tưởng tượng". 

hon-ca-vu-han-chung-virus-o-bac-kinh-lan-nhanh-ngoai-suc-tuong-tuong-eu-muon-noi-long-thu-nghiem-thuoc-dieu-tri-covid-19

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chủng virus corona tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh khác với mầm bệnh từ Vũ Hán, tốc độ lây lan nhanh "ngoài sức tưởng tượng".

Thông qua giải mã trình tự gene, Tiến sĩ Zeng Guang, chuyên gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc tiết lộ, chủng virus corona mới gây bệnh Covid-19 được tìm thấy tại chợ đầu mối Tân Phát Địa ở Bắc Kinh không giống với loại xuất hiện ở Vũ Hán hồi tháng 1 năm nay. 

Trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức nhà nước CGTN sáng 16/6, Tiến sĩ Wu Zunyou, Giám đốc dịch tễ của CDC, cũng nhận định virus ở Thủ đô Bắc Kinh là một "chủng dịch lớn" từ châu Âu. Còn Yang Zhanqiu, Phó Trưởng khoa sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán, cho rằng, chủng này thậm chí dễ lây lan hơn so với trước đó, dựa trên dữ liệu thống kê. 

Theo Tiến sĩ Yang, có thể tạm thời loại trừ khả năng mẫu SARS-CoV-2 ở Bắc Kinh là virus ở Vũ Hán đã biến chủng. Các xét nghiệm riêng lẻ đều cho ra trình tự gene khác nhau, dễ dàng phân biệt sự khác nhau đó. TS. Yang nhận định, hiện tượng này có thể tạo ra thách thức mới cho quá trình phát triển vaccine, khiến sản phẩm trở nên kém hiệu quả, thậm chí không có tác dụng. 

Đến nay, Bắc Kinh ghi nhận tổng cộng 137 người nhiễm, trong đó 19 ca ở quận Phong Đài, Tây Nam Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch tuần trước.

* Ngày 17/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất tạm thời nới lỏng quy định về thử nghiệm thuốc có sử dụng sinh vật biến đổi gene (GMO), trong một biện pháp khẩn cấp nhằm đẩy nhanh việc phát triển vaccine ngừa bệnh Covid-19.

Đề xuất trên là một phần trong chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo việc phát triển kịp vaccine kịp thời cho các nước thành viên trong khối, với lo ngại rằng EU đang bị chậm chân so với Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển vaccine.

Chiến lược này cũng bao gồm khoản đầu tư trị giá khoảng 1 tỷ Euro (2,3 tỷ USD) nhằm đặt mua trước các vaccine đang được phát triển.

Các nước EU có quy định nghiêm ngặt hơn về nghiên cứu liên quan đến GMO so với phần còn lại của thế giới. Đề xuất mới đồng nghĩa với việc giảm bớt quyền hạn của các nước thành viên trong việc áp đặt thêm các yêu cầu với nhà sản xuất thuốc, khi họ tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị và vaccine chứa các thành phần biến đổi gene.

Đề xuất này cần nhận được sự ủng hộ các chính phủ và nghị sĩ EU và sẽ chỉ có hiệu lực trong trường hợp khẩn cấp của dịch Covid-19.

Các quan chức EU lo ngại rằng nhiều vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng có thể bị chậm ra mắt, nếu các quy định này không được nới lỏng. Các nước EU hiện nay đang áp đặt thêm các quy định về vaccine và thuốc chứa GMO. Ví dụ như tại Pháp và Italy, các phương thuốc điều trị cần nhận được sự thông qua các cơ quan môi trường, nghiên cứu, y tế và dược phẩm.

EC cho rằng, nếu như không thay đổi, cơ chế pháp lý này nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự trì hoãn nghiêm trọng việc ra mắc vaccine và dược phẩm, đặc biệt là các cuộc thử nghiệm tại nhiều trung tâm ở một số nước thành viên. Các vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm tại một số quốc gia thành viên để tăng độ chính xác.

Ngoài ra, EC cũng đề xuất nới lỏng quy định về ngôn ngữ và bao bì đối với dược phẩm và vaccine để thúc đẩy quá trình phân phối nhanh hơn trong đại dịch.

* Cơ quan chức năng Mỹ ước tính khoảng 12% trong số 331 triệu dân Mỹ không cần tiêm vaccine ngừa Covid-19 vì đã có kháng thể. Các quan chức Mỹ hôm 16/6 cho hay loại vaccine Covid-19 mà chính quyền Tổng thống Trump hy vọng sẽ có vào tháng 1 năm sau, có thể không cho hiệu quả như nhau với toàn dân. Họ cũng kỳ vọng khoảng 40 triệu người Mỹ sẽ có kháng thể SARS-CoV-2 vào cuối năm nay, làm giảm số người cần tới vaccine.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) ước tính có tới 12% trong tổng số dân 331 triệu người của Mỹ sẽ không cần tiêm vaccine Covid-19 vì đã tiếp xúc với virus trước đó.

* Một nhóm các nhà khoa học Singapore đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.

Tổ chức Nghiên cứu và phát triển phòng vệ Singapore (DSO) cho biết, kể từ tháng 3, các nhà khoa học nước này đã sàng lọc hàng trăm nghìn tế bào B, loại tế bào sản sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ các mẫu máu của các bệnh nhân mắc Covid-19 đã phục hồi.

Với giai đoạn nghiên cứu đã hoàn tất, công trình nghiên cứu này giờ đây đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sẽ được đưa vào sản xuất nếu thử nghiệm trên người thành công.

Theo Tiến sỹ Conrad Chan, trưởng nhóm nghiên cứu, khi con người được tiêm kháng thể, loại kháng thể đó sẽ lan ra toàn bộ cơ thể, ngăn chặn virus lan đến phổi, tránh được tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Lý tưởng là các kháng thể được tiêm cho bệnh nhân sau khi họ có các triệu chứng mắc COovid-19 và trước khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, do các kháng thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể con người gần 1 tháng, nên chúng còn có tác dụng phòng bệnh. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, đây có thể là giải pháp tốt cho phòng và điều trị Covid-19.

Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật sàng lọc đồng thời các tế bào B với virus sống, cho phép nhanh chóng xác định được các loại kháng thể có thể vô hiệu hóa virus.

Kỹ thuật này giúp giảm bớt cả thời gian và nguồn nhân lực, có nghĩa là có thể tìm được nhiều kháng thể hơn và trở thành phương thức điều trị an toàn và hiệu quả đối với các bệnh nhân Covid-19. Kỹ thuật này được DSO phát triển với sự cộng tác với Trường Y Yong Loo Lin và Viện Khoa học đời sống thuộc Đại học Quốc gia Singapore trong hơn 5 năm qua.

* Trong khi đó, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á.

Ngày 17/6, Indonesia thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.031 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 đến nay lên 41.431 ca.

Như vậy, Indonesia đã vượt Singapore trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á. 

Ông Achmad Yurianto thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết, trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 45 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 2.276 ca.

* Trong khi đó, số ca nhiễm tại Philippines đã lên tới 27.238 ca sau khi Bộ Y tế nước này ngày 17/6 công bố có thêm 457 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại nước này cũng lên tới 1.108 ca sau khi có thêm 5 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi đến nay là 6.820 người. 

* Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới ngành du lịch của Philippines, khiến lượng du khách nước ngoài đến nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm 54,01% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1.318.719 lượt du khách. Ngành du lịch là ngành đóng góp lớn thứ hai cho thu nhập của Philippines, chiếm tới 12,7% GDP của nước này trong năm 2018.

* Cùng ngày, Bangladesh thông báo có thêm 4.008 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 8/3. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại Bangladesh đến nay lên 98.489 ca, trong đó có 1.305 ca tử vong (sau khi có thêm 43 ca mới trong 24 giờ).

Tổng số bệnh nhân phục hồi ở nước này đến nay là 38.189, người sau khi có thêm 1.925 bệnh nhân khỏi bệnh trong 24 giờ qua.

Theo Global Times, SCMP, TTXVN/baoquocte

-----

Xem thêm:

+Thủ đô Bắc Kinh thành ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất Trung Quốc

+BV Chợ Rẫy tính đến ngày xuất viện cho phi công người Anh mắc COVID-19

+Bắc Kinh bùng phát ổ dịch mới, tại sao Trung Quốc lại ngay lập tức cấm nhập khẩu cá hồi?

+Chuyện lạ có thật: Kim cương chất đống vì không bán được

-----