Hương liệu tạo mùi: Sát thủ thầm lặng trong sản phẩm tẩy rửa

Nhiều sản phẩm, nhất là các loại chất tẩy rửa đều có mùi thơm thu hút người dùng. Tuy nhiên khi sử dụng các sản phẩm có hương liệu tạo mùi này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Thói quen sử dụng các sản phẩm chứa hương liệu tạo mùi như nước rửa chén, nước giặt, nước xịt đa năng…khiến ngôi nhà trở thành nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.

Bởi thực tế, những tác hại của mùi hương nhân tạo không phải khi nào cũng nhận thấy được bằng mắt. Nhưng đã có những bằng chứng khoa học để chứng minh rằng, tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi hay tình trạng sức khỏe, tiếp xúc với mùi hương nhân tạo càng ít bao nhiêu càng ít bị ảnh hưởng bấy nhiêu.

Trước đó, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia đã chỉ ra những số liệu rất quan trọng, khoảng 95% các chất hóa học được sử dụng để tạo ra hương nhân tạo đều có nguồn gốc từ dầu mỏ (dầu thô).

Chúng cũng có chứa các dẫn xuất của benzen (gây ung thư), andehit, toluene và nhiều hóa chất độc hại được chứng minh có liên quan đến ung thư, dị tật bẩm sinh, rối loạn hệ thống thần kinh trung ương và các phản ứng dị ứng khác.

huong-lieu-tao-mui-sat-thu-tham-lang-trong-san-pham-tay-rua

 Những sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm không hề tốt cho sức khỏe người dùng. Ảnh minh họa

Một số trong những thành phần độc hại nhất được sử dụng thường xuyên trong các loại kem dưỡng, dầu gội đầu, bột giặt, chất tẩy rửa. Những sản phẩm thiết yếu này còn chứa một lượng lớn hương nhân tạo, và chúng thường được thể hiện trong bảng thành phần dưới cái tên rất chung chung – “fragrance”.

Điều đáng ngại là nhiều thành phần được kê trong danh sách ấy vốn được biết đến hoặc bị nghi ngờ có thể gây ra tình trạng rối loạn nội tiết hay tăng cân bất thường.

Do đó, khi một nhà sản xuất cho từ “fragrance” lên trên nhãn sản phẩm người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh mắc lừa. Đây là một thuật ngữ vô cùng chung chung, nó có thể đại diện cho ít nhất 3000 thành phần khác nhau.

Và khi sử dụng các sản phẩm có chứa “fragrance” hay “parfum”, những thành phần bí ẩn này sẽ được hấp thụ ngay lập tức vào đường máu.

Dù nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, những mùi hương hóa chất này cũng chỉ có hại cho sức khỏe người dùng. Khác với hương tự nhiên, hương nhân tạo thực sự không cần thiết, và chỉ khiến người dùng ngày càng ốm yếu hơn. 

Mối nguy hiểm của loại mùi hương này không chỉ gói gọn trong những triệu chứng như dị ứng hay suy hô hấp, đó còn có thể gây nên tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và sương mù não (rối loạn chức năng nhận thức). Đây là một bằng chứng chứng minh rằng, không phân biệt độ tuổi hay tình trạng sức khỏe người dùng nhất định phải tránh những hóa chất tạo mùi này.

Còn theo tin tức từ trang The Guardian, khoảng 4.000 hóa chất hiện đang được sử dụng để tạo mùi hương cho sản phẩm nhưng lại không được liệt kê trên nhãn.

Thay vào đó, trên nhãn chỉ có từ “chất làm thơm” hay “hương liệu tạo mùi” (fragrance) xuất hiện trong thành phần của mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và sản phẩm làm sạch. Một mùi hương có thể chứa từ 50 đến 300 hóa chất riêng biệt.

Nhà sản xuất thường cho hương liệu tạo mùi thơm vào để che lấp bớt mùi khó chịu của thành phần tẩy rửa, đồng thời tạo cảm giác hấp dẫn cho người sử dụng. Tuy nhiên người dùng lại có nguy cơ gặp nhiều rủi ro sức khỏe khi dùng các sản phẩm vệ sinh nhà cửa có mùi hương.

Đặc biệt nhiều hóa chất độc hại trong sản phẩm tẩy rửa có thể trở thành “sát thủ” như VOC (Volatile Organic Compound), Amoniac, Chlorine, Butyl Cellosolve, Natri Hydroxit… Trong đó chất VOC là hóa chất phổ biến dùng làm hương liệu tạo mùi thơm nhân tạo trong các sản phẩm làm sạch. VOC có thể gây kích ứng mắt, mũi và họng, nhức đầu, buồn nôn… Về lâu dài, VOC còn có thể gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh trung ương hay thậm chí là nguy cơ ung thư.

Theo VietQ