Khi nào doanh nghiệp được giảm giá... 100%?

Kể từ ngày 15/7/2018, trong một số trường hợp, doanh nghiệp được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ thay vì bị khống chế mức trần 50% như trước đây...

Khi nào doanh nghiệp được giảm giá... 100%?

Nhiều doanh nghiệp đưa ra mong muốn được tự quyết mức khuyến mãi trong một số trường hợp cụ thể. Ảnh: K.O

Muốn giảm giá sâu nhưng sợ bị phạt

Nghị định 81/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành (quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại) đã cho phép doanh nghiệp được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, Nghị định trên quy định hạn mức khuyến mại, giảm giá của hàng hóa, dịch vụ như sau: Các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại, giảm giá) và các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định thì được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài trường hợp nêu trên, hạn mức khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại.

Cũng theo Nghị định 81, không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định, chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.

Quy định mới nói trên được coi là một bước tiến dài so với các quy định hiện hành. Theo các doanh nghiệp, hạn mức tối đa 50% là bất hợp lý và không thực tế nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua. Đặc biệt, trong các thời điểm như kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng xuống thấp, hàng hóa tồn kho cao, dòng tiền bị ngưng trệ, quy định này đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể bán hàng để thu hồi vốn. Trong khi đó, cơ quan quản lý thì gặp khó trong việc thực thi.

Trên thực tế, nhiều ngành nghề như công nghệ thông tin hay thời trang…, các sản phẩm, mẫu mã liên tục thay đổi. Thế nhưng, nếu như doanh nghiệp muốn bán hàng tồn kho của mình với mức giả rẻ hơn 50% để xả hết hàng thì cũng không được bởi “quy định không cho phép”.

“So với quy định cũ thì Nhà nước đã nới lỏng hơn cho hoạt động khuyến mãi vì thỉnh thoảng có thể giảm giá sốc. Tuy nhiên, các chương trình khuyến mãi do Nhà nước tổ chức không phải lúc nào cũng đúng thời điểm chúng tôi cần giảm giá sâu, cần giải phóng hàng tồn. Ví dụ hàng may mặc, giao mùa muốn giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn… vì vậy rất khó cho doanh nghiệp” bà Lê Thu Ngân – giám đốc một doanh nghiệp may mặc cho hay.

Vì vướng quy định, nhiều đơn vị tìm cách “lách luật”. Chẳng hạn, sau khi giảm giá 50%, khách hàng được giảm thêm 10 – 20 % đối với chủ thẻ của ngân hàng Viettinbank. Hay doanh nghiệp đưa ra các chương trình bán hàng đồng giá, mức khuyến mãi nhiều khi vượt quá cả 100%. Tình trạng này dẫn tới sự bất bình đẳng là các thương hiệu lớn thường đăng ký nghiêm túc nên không dám vượt rào, còn nhiều cửa hàng nhỏ giảm đến 70 - 80% nhưng cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện.

“Nhiều khi chúng tôi cũng muốn đưa ra các chương trình giảm giá sâu vừa để kích cầu mua sắm, vừa để giải phóng hàng tồn nhưng lại không dám vượt rào vì sợ bị phạt. Tôi cho rằng nên bỏ hẳn trần khuyến mãi để doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh. Họ sẽ tính toán và đưa ra những chương trình khuyến mãi thích hợp và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi nhiều hơn”, ông Phạm Huy Trung – quản lý của một trung tâm điện máy tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cho hay.

Có nên để doanh nghiệp tự quyết?

Mục đích của việc siết chặt trần khuyến mãi là để tránh việc phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Trước kia, Nhà nước đưa ra mức trần khuyến mãi 50% và tối đa lên đến 70% trong các trường hợp khuyến mãi theo các chương trình tập trung do Nhà nước chủ trì tổ chức. Việc nới lỏng mức khuyến mãi được coi như một bước tiến mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, với những sản phẩm đã có thương hiệu thì khuyến mãi 50% cũng thu hút được khách hàng. Nhưng với nhiều DN của VN vốn nhỏ, thương hiệu không nổi tiếng thì đôi khi giảm giá đến 70% cũng chưa chắc bán được hàng. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, mức trần giảm giá hàng hóa tối đa 50% là không hợp lý và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay: “Việc dỡ bỏ mức trần khuyến mãi 50%, doanh nghiệp cũng đã kiến nghị từ lâu. Nhà nước cũng nên giải phóng cho các doanh nghiệp để tăng điều kiện kinh doanh, giải phóng tồn kho, quay vòng, thay đổi mẫu mã. Nhưng những sản phẩm như hàng lương thực thực phẩm, thuốc men thì không nên nới mà cần kiểm soát chặt chẽ do những sản phẩm này liên quan tới sức khỏe người sử dụng, mà giá rẻ thường đi kèm với kém chất lượng”.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh Nhà nước cần phải có cơ chế giám sát, không để các chương trình khuyến mãi bị biến tướng dưới nhiều hình thức để lừa đảo người tiêu dùng, kiểu “thùng rỗng kêu to” với mục đích chính chỉ là kéo khách hàng đến...

“Không ít trường hợp khách hàng đã phản ánh rằng doanh nghiệp nâng giá lên rồi áp dụng chương trình khuyến mãi, nhưng giá giảm thậm chí vẫn cao hơn giá ban đầu. Hay có trường hợp doanh nghiệp đưa ra các chương trình bốc thăm với phần thưởng lớn nhưng chúng ta lại không kiểm soát chương trình đó liệu có người trúng thưởng hay không.

Rồi lại có tình trạng khuyến mãi rởm, khuyến mại giả,... Không ít người tiêu dùng phản ánh việc họ nhận được các sản phẩm khuyến mãi nhưng không dùng được; hay có trường hợp khuyến mãi 50.000 đồng nhưng lại bắt khách hàng đi từ Hà Nội vào Sài Gòn để nhận. Rồi cả việc khuyến mại trên mạng cũng gặp phải rất nhiều vấn đề, hạ giá sốc nhưng sản phẩm kém chất lượng hay hàng hết hạn”, ông Phú dẫn ra một số ví dụ.

Theo ông Phú, có đến 30 – 40% các chương trình khuyến mãi đang có vấn đề. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải chịu trách nhiệm với các chương trình khuyến mãi, phải công bố rộng rãi thông tin cho mọi người biết trong các chương trình khuyến mại. Cơ quan quản lý cần kiểm soát nghiêm ngặt, phải minh bạch, công khai, phải nêu gương những đơn vị kinh doanh tốt, điểm mặt những doanh nghiệp làm ăn kém, không cho áp dụng các biện pháp khuyến mãi tiếp.

Theo GiaDinh