Khi trẻ chậm mọc răng, cần thận trọng với căn bệnh nguy hiểm này

Nếu trẻ mãi không mọc răng khi răng sữa đã rụng, mọi người cần đưa đi kiểm tra ngay để tránh mắc căn bệnh nguy hiểm khiến khuôn mặt biến dạng.

khi-tre-cham-moc-rang-can-than-trong-voi-can-benh-nguy-hiem-nay

Đưa trẻ đi khám răng định kỳ, để đảm bảo sự phát triển ổn định răng rữa của trẻ. Ảnh: TL

Hàng trăm chiếc răng trong miệng

Mới đây, một cậu bé 7 tuổi ở Ấn Độ được gia đình đưa đi khám vì kêu đau hàm. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện có đến 526 cái răng trong miệng cậu bé. Phải mất 5 tiếng đồng hồ các bác sĩ mới lấy hết được hàng trăm cái răng trong túi ở hàm dưới. Cái răng nhỏ nhất dài 0,1mm và cái dài nhất 15mm. Nhiều người khi chứng kiến hình ảnh không khỏi rùng mình.

Trước đó, một cậu bé 9 tuổi ở Trung Quốc cũng gặp tình trạng tương tự. Thấy chiếc răng cạnh chiếc răng cửa hàm trên sau khi bị gãy mãi vẫn chưa thấy mọc, gia đình đưa bé đi kiểm tra đã phát hiện trong miệng bé có 70 chiếc răng nhỏ ẩn giấu xung quang mô răng chưa mọc lên. Để xử lý, bác sĩ đã tiến hành gây mê toàn thân và loại bỏ tất cả tổ hợp u răng hàm trên phía bên phải cho bé.

Tại nước ta cũng đã ghi nhận những trường hợp có hàng trăm chiếc răng trong miệng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa từng tiếp nhận một trường hợp 13 tuổi có gần 100 chiếc răng nhỏ. Trước đó, gia đình thấy bệnh nhân răng mọc lệch và chậm phát triển nên đưa đi khám. Sau khi chụp X-quang bất ngờ phát hiện dưới hàng răng chính có cả trăm răng lớn nhỏ đã thành hình có phần thân răng, chân răng và cả tuỷ răng. Các bác sĩ của Bệnh viện đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh phẫu thuật loại bỏ khối u và răng thừa ra khỏi cơ thể cho bệnh nhân.

Theo các chuyên gia nha khoa, răng sữa của người bình thường là 20 chiếc, răng vĩnh viễn là 28-32 chiếc (một số trường hợp đặc biệt là 36 chiếc), với 16 răng hàm trên và 16 răng hàm dưới. Khi bước vào độ tuổi trưởng thành, những chiếc răng khôn mới bắt đầu mọc lên.

Lúc này, trên cung hàm sẽ có đủ 32 chiếc răng (nếu số lượng răng khôn là 4) hoặc 36 chiếc (nếu số lượng răng khôn là 6). Hiện có đến 85% số người không mọc đủ 4 – 6 chiếc răng khôn, hoặc khi răng vừa mọc lên thì phải nhổ bỏ ngay.

Thông thường số lượng răng của mỗi người là vậy nhưng đã có không ít những trường hợp như trên lại có hàm trăm chiếc răng trong miệng? Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về điều này, ThS.BS Phạm Thị Thanh Bình, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do người bệnh mắc phải u răng. U răng (Odontoma) là một loại u có nguồn gốc từ răng mà khi u đã phát triển đầy đủ thì thành phần chủ yếu của u là men, ngà và có cả tủy và xương răng.

"U răng có hai loại là đa hợp và phức hợp. Việc phân biệt giữa u phức hợp và u đa hợp thì rất tùy tiện phụ thuộc vào sự vượt trội của tổ chức răng và của tổ chức bất thường. U thường được phát hiện từ lứa tuổi nhỏ, khoảng 10-20 tuổi. Biểu hiện bằng sưng vùng răng cối lớn hay nhỏ, ở hàm trên hay dưới, có thể biểu hiện bằng chậm mọc răng. Đôi khi chỉ phát hiện tình cờ khi chụp phim", TS. BS Phạm Thị Thanh Bình cho hay.

Cẩn thận với dấu hiệu răng mọc chậm

ThS.BS Phạm Thị Thanh Bình cho biết, có rất nhiều triệu chứng thể hiện u răng đã xuất hiện nhưng thường bị chẩn đoán nhầm. Để xác định u răng thường có biểu hiện rõ là khó nuốt; Sưng đau vùng các răng hàm lớn; Răng sữa không thể rụng khi đã đến lúc; Khối u trong lợi hay nhầm với mọc răng khôn. Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các triệu chứng như viêm nhiễm, chảy mủ, răng xung quanh lung lay tang dần. Nặng hơn có thể có biến dạng mặt, cản trở khả năng nói, thở, hoạt động nhai.

Khi phát hiện có u răng phức hợp cần can thiệp phẫu thuật lấy bỏ khối u, tạo điều kiện cho răng thật bị cản trở có thể mọc bình thường (với những răng chưa đóng kín cuống). Nếu phát hiện muộn, khi các răng bị cản trở và bị ngầm đã đóng kín cuống, việc điều trị sẽ phức tạp và mất thời gian hơn. Ngoài phẫu thuật loại bỏ u răng, cần phối hợp với chỉnh nha gắn chặt để đưa răng ngầm về cung răng.

Trong trường hợp, nếu là u răng phức hợp có thể gây một số biến chứng làm hủy hoại xương hàm nên điều trị sẽ phức tạp hơn: Cắt xương hàm và ghép xương hàm bằng xương tự thân hoặc bằng mảnh ghép kim loại và mang hàm giả.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, u răng là một trong những loại u lành tính, khi phát hiện sớm xử lý rất dễ dàng. Tuy nhiên, đa phần khi u phát triển mạnh thì người bệnh mới cảm giác đau như cảm giác sâu răng hoặc viêm tủy.

Khi u răng đã tiến triển lớn sẽ gây khó khăn trong điều trị và có thể gây ra các biến chứng không mong muốn như gây gãy xương hàm bệnh lý, ảnh hưởng đến thần kinh, xuất hiện tình trạng liệt mặt… Nhiều trường hợp đến viện muộn, nang đã phát triển rộng khiến cho răng, xương bị phá hủy gây biến dạng khuôn mặt.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu thấy bất thường như răng lâu không mọc; răng sữa không rụng theo tuổi, hàm bị thiếu răng, răng lung lay, xương hàm lệch… nên đi chụp kiểm tra xem răng nằm ở đâu, có u chèn vào răng hay không. Ngoài ra để phát hiện sớm các bất thường răng miệng cần kiểm tra răng miệng định kỳ 6 tháng một lần.

U răng chỉ được chẩn đoán chính xác khi được chẩn đoán mô học u răng, chụp X-quang xương hàm, chụp CT scan cho u răng, chụp X-quang kết hợp MRI (để phân tích khối u phức hợp).

Theo GiaDinh