Khoảng 75% mỹ phẩm, gần 100% nước hoa bán tại các chợ là hàng giả

Là thông tin được công bố tại hội thảo Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 30/3.

Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã cho biết về tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan trên thị trường. Tại TP Hồ Chí Minh, khu vực hàng giả trọng điểm ở chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Kim Biên (quận 5),...

Các nghiệp khẳng định rằng hàng chính hàng ngày càng teo tóp dần. Trong đó, đối với mặt hàng mỹ phẩm, khoảng 75% thị phần mỹ phẩm bán ngoài thị trường là hàng giả và hàng nhập lậu, hàng chính hãng chỉ có 25% còn lại. Đặc biệt, gần 100% các sản phẩm nước hoa và sáp vuốt tóc bày bán tại các chợ không phải hàng thật. Nhiều sản phẩm mỹ phẩm của nước ngoài chưa hề được công bố cũng đã được bán tại nhiều chuỗi cửa hàng của Việt Nam trong đó có cả những chuỗi cửa hàng danh tiếng.

Khoảng 75% mỹ phẩm, gần 100% nước hoa bán tại các chợ là hàng giả

Gần 100% các sản phẩm nước hoa và sáp vuốt tóc bày bán tại các chợ không phải hàng thật.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam cho rằng sợ bị nhận biết và mang tai tiếng là hàng giả nên giờ người bán hàng thường khẳng định là xách tay.

Đại diện thương hiệu Lacoste tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là nơi mà nhãn hiệu này bị làm giả nhiều nhất với khoảng 8.000 sản phẩm trên tổng số 3 triệu sản phẩm giả thương hiệu Lacoste được phát hiện trên toàn thế giới. “Điều đáng ngạc nhiên, khi bị phát hiện làm giả nhãn hiệu Lacoste, một số xưởng sản xuất cho rằng, họ không làm nhái hàng cá sấu, hàng của họ là hàng thằn lằn”.

Đơn vị  này cho hay từng phát hiện 5 xưởng sản xuất chuyên sản xuất áo thun giả nhãn hiệu Lacoste tại Việt Nam với công suất sản xuất hàng trăm ngàn chiếc/năm. Các sản phẩm này được bán ra thị trường cả nước, thậm chí còn xuất khẩu qua Campuchia, sang Thái Lan rồi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam bán giá cao gấp 3 - 4 lần và trở thành Lacoste made in Thailand”

Đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết, một số nhóm mặt hàng được làm giả nhiều trong thời gian gần đây như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc chữa bệnh cho người. Hiện các đối tượng in lậu tem nhãn, bao bì để giả nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc làm theo đơn đặt hàng. Năm 2017 lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các bên liên quan và doanh nghiệp tiến hành kiểm tra, xử lý  trên 19.000 vụ vi phạm về hàng giả.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân, môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu ngày càng đáng báo động thì việc quản lý, xử phạt có nhiều bất cập, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Các doanh nghiệp đề xuất nâng mức xử phạt hành chính khi phát hiện các cơ sở buôn bán, sản xuất hàng giả vì mức phạt hiện nay quá nhẹ so với mức lợi nhuận khổng lồ từ hàng giả, hàng nhập lậu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải bỏ bớt các thủ tục rườm rà, nhanh chóng vào cuộc xử lý khi doanh nghiệp phát hiện hàng giả, hàng nhập lậu.

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Biện pháp hành chính là 1 trong 2 biện pháp ngăn chặn hàng giả. Tuy nhiên có đến 98,37% vụ án xử lý hành chính, xử lý tư pháp rất thấp. Biện pháp xử lý hành chính không phải là biện pháp tốt, chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Trịnh Văn Ngọc: Việt Nam luôn coi trọng vấn đề đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, có thể thấy, cần có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội thì cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới đạt được kết quả như mong muốn.

Theo TieuDung24h