Không chỉ các hãng bay bị ảnh hưởng, nhiều cửa hàng miễn thuế tại sân bay 'vắng tanh'

Nhiều cửa hàng miễn thuế tại sân bay cũng chịu chung tình cảnh “vắng lặng” trước dịch Covid-19. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng còn cho rằng họ sẽ sang nhượng với mức giá ưu đãi cho ai muốn thuê.

Dịch Covid-19 không chỉ khiến các hãng bay bị ảnh hưởng nặng nề mà các cửa hàng miễn thuế tại sân bay cũng trong tình cảnh “vắng hoe”.

Tại sân bay Nội Bài, những ngày này lượng hành khách làm thủ tục vắng hơn hẳn so với những ngày thường khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Cùng với đó, nhiều quán hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn nhanh tại sân bay cũng trong tình trạng ế khách. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, họ đang tìm chủ mới cho các gian hàng. Bởi họ không biết khi nào dịch Covid-19 mới qua đi trong khi doanh số ngày một kém.

Anh Nguyễn Thanh Thắng, chủ cửa hàng lưu niệm tại sân bay Nội Bài cho biết, tình hình kinh doanh tại đây từ khi dịch Covid-19 xuất hiện rất tệ hại. Doanh số luôn thấp trong khi các khoản chi về mặt bằng, lương nhân viên… vẫn vậy. Chưa kể anh Thắng cũng không biết khi nào mới hết dịch Covid-19 để tình trạng kinh doanh được khởi sắc hơn.

“Từ Tết đổ lại đây tình hình kinh doanh không chỉ tại cửa hàng tôi mà nhiều gian hàng khác cũng chung tình cảnh ế ẩm. Khách hàng chỉ ghé qua mua chai nước lọc chứ rất ít người ngồi ăn uống hay chí ít là mua ly cà phê ngồi nhâm nhi đợi bay. Bởi họ sợ dịch bệnh và e ngại việc phải tháo khẩu trang tại sân bay. Cho nên lượng khách vắng và doanh thu cũng sụt giảm”, anh Thắng cho biết.

Trong khi doanh thu sụt giảm thì cửa hàng anh Thắng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền trả lương nhân viên theo ca. Anh Thắng đang tính đến chuyện sẽ phải sang nhượng lại cửa hàng vì không biết khi nào dịch Covid-19 mới hết và lượng hành khách đông trở lại như bình thường.

khong-chi-cac-hang-bay-bi-anh-huong-nhieu-cua-hang-mien-thue-tai-san-bay-vang-tanh

 Những cửa hàng tại sân bay Nội Bài luôn trong tình trạng vắng hoe trước dịch Covid-19. Ảnh Nam Dương.

Chị Nguyễn Thùy Trang - chủ một gian hàng khác tại sân bay Nội Bài cũng cho biết, chị đang đăng nhượng lại gian hàng với mức giá rất thấp. Thế nhưng nhiều ngày nay thông tin đăng tải không được ai quan tâm. Theo chị Trang thì có những ngày cửa hàng của chị không bán được một món đồ nào. Tuy nhiên chị vẫn phải trả tiền thuê cửa hàng đắt đỏ, tiền lương nhân viên và các khoản dịch vụ khác.

“Các hãng bay cũng vắng nên lượng hành khách đi máy bay giảm rất nhiều. Chưa kể, nếu trước đây nhiều chuyến bay bị trễ do quá trình khai thác, khách bay phải đợi, họ thường chọn các quán ăn để uống cà phê, ăn nhẹ. Tuy nhiên, hiện tại các chuyến bay rất đúng giờ, hành khách cũng hạn chế ăn uống ở sân bay vì lo ngại dịch bệnh khi tháo khẩu trang. Vậy nên có những ngày doanh số gần như không bán được gì”, chị Trang cho hay.

Tại sân bay, cũng có khá nhiều gian hàng đóng cửa ngừng bán và cho nhân viên nghỉ việc tạm thời để tiết kiệm chi phí. Nhiều chủ cửa hàng cũng than phiền, ngay cả khi dịch bệnh hết thì năm nay ngành hàng không cũng chững lại. Bởi kì nghỉ hè của học sinh gần như không còn nữa, và mùa cao điểm du lịch cũng sẽ không đông đúc như những năm trước.

Không chỉ các hãng bay bị ảnh hưởng, nhiều cửa hàng miễn thuế tại sân bay ‘vắng tanh’

 Sân bay Tân Sơn Nhất cũng trong tình cảnh vắng hoe. Ảnh Thanh Niên.

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), tính đến tháng 2/2020, cả nước có 235 máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam, tăng 3 tàu so với tháng 1 và tăng 48 tàu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Vietnam Airlines có 106 tàu (trong đó có 28 tàu thân rộng), Vietjet 75 tàu, Bamboo Airways 22 tàu (gồm 3 tàu thân rộng), Jetstar Pacific 18 tàu. Số còn lại là những tàu thuộc sở hữu của Công ty Bay dịch vụ hàng không, CTCP Hàng không Hải Âu, Công ty TNHH Công nghệ Hành Tinh Xanh, CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt và CTCP Dịch vụ Kỹ thuật hàng không.

Mặc dù số lượng tàu bay tăng mạnh nhưng lượng khách qua cảng hàng không cũng như lượng khách vận chuyển của các hãng hàng không, đặc biệt là khách quốc tế lại giảm ở mức 2 con số. Đây là mức giảm đáng kể sau nhiều năm liên tục tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam.

Cụ thể, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.

Trước tình trạng nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020. Theo đó, nếu dịch hết trong tháng 4 (kịch bản lạc quan nhất), tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách.

Ở kịch bản trung bình (tháng 6/2020 hết dịch), tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%.

Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.

Tổ chức hàng không thế giới IATA ước tính dịch Covid-19 sẽ khiến các hãng hàng không thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Riêng các hãng bay Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD.

Theo VietQ