Kiểm tra đột xuất 10 cơ sở, thu hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Kiểm tra 10 cơ sở, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, vào ngày 6/7, tổ công tác 334 phối hợp với Chi Cục QLTT Hà Nội đồng loạt kiểm tra 10 địa điểm bán mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, lực lượng QLTT đã đồng loạt kiểm tra tại số 70 Thái Hà, 53 Hoàng Cầu, 26 Hàng Đường thuộc Công ty TNHH Việt Hà Phát; 36 Giang Văn Minh; Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm – Biển hiệu “Skin House” số 19 Nguyễn Phong Sắc; 22 Chùa Bộc; Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Skin house tại số 56 Trần Đại  Nghĩa...

Theo kết quả sơ bộ, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 10 vụ, tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại đều do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trị giá hàng hóa vi phạm khoảnh 149 triệu đồng. Hiện tại, các đơn vị QLTT đang tạm giữ toàn bộ số hàng và lập biên bản xử lý theo quy định.

Kiểm tra đột xuất 10 cơ sở, thu hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

 Lực lượng QLTT kiểm tra một số sản phẩm mỹ phẩm tại cửa hàng số 19 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy. Ảnh: báo Tài nguyên Môi trường

Trước đó, vào ngày 5/7, Cục QLTT đã có văn bản yêu cầu các Chi cục QLTT thuộc các tỉnh thành phố Trung ương nghiêm túc triển khai Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Trong văn bản, Cục QLTT yêu cầu các Chi cục QLTT thuộc các tỉnh thành phố Trung ương khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng điểm như tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Đảm bảo việc triển khai có hiệu quả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Tập trung lực lượng xác minh, kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách tại địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện việc cấp phép, quản lý các cơ sở, hộ kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn.

Ngoài ra, phối hợp với cơ quan báo chí tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, công khai kết quả hoạt động kiểm tra để thông tin cho người dân biết về tổ chức, cá nhân vi phạm, hàng hoá vi phạm, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 5653 vụ, xử lý 5337 vụ, tổng số tiền xử lý 77.957,956 triệu đồng, trong đó từ ngày 20/12/2017 đến ngày 04/7/2018, đối với mặt hàng mỹ phẩm: đã kiểm tra 333 vụ, xử lý 311 vụ, phạt hành chính 3,2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm: 45,8 tỷ đồng; đối với mặt hàng thực phẩm chức năng: kiểm ra 128 vụ, xử  lý 109 vụ, phạt hành chính 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm: 0,5 tỷ đồng; đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền: kiểm tra 06 vụ, xử lý 03 vụ, phạt hành chính 16,2 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm: 14,8 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hoá đã quá hạn sử dụng, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong sản xuất, vi phạm về nhãn, giá,…

Theo VietQ