Kinh doanh, buôn bán hàng hoá giả mạo vẫn 'tung hoành' tại Vĩnh Phúc

Kết quả trong tháng 8/2019 lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra 136 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hoá nhập lậu; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không thực hiện niêm yết giá; vi phạm về đăng ký kinh doanh,...

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp. 

kinh-doanh-buon-ban-hang-hoa-gia-mao-van-tung-hoanh-tai-vinh-phuc

 Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Tuấn Anh/Cục QLTT Vĩnh Phúc

Các đối tượng vi phạm thường đưa hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; hàng nhập lậu ra thị trường tiêu thụ với phương thức thủ đoạn ngày càng tình vi như: Ứng dụng dịch vụ bán hàng online qua các trang mạng xã hội như Facebook, zalo; vận chuyển hàng trên xe ô tô chở khách; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh; sử dụng hoá đơn chứng từ thu mua hàng hóa của cư dân biên giới; chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa cùng nhiều mặt hàng khác.

Chính vì thế đã khiến cho công tác kiểm tra, bắt giữ và xử lý của lực lượng chức năng gặp rất khó khăn. Tuy nhiên bằng nghiệp vụ, qua công tác quản lý địa bàn lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 6 cơ sở kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 92 triệu đồng.

Theo đó, các mặt hàng vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm; đồng hồ đeo tay giả mạo các nhãn nổi tiếng của Thụy Sỹ; túi xách, ví da, dây lưng giả mạo nhãn hiệu Hemès…

Gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa không thực hiện việc ghi nhãn theo quy định, không niêm yết giá hàng hóa, kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hoá, kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; kinh doanh không đúng địa điểm,…tuy nhiên mức độ và quy mô không lớn.

Chỉ trong tháng 8/2019 lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra 136 lượt vụ; xử phạt hành chính 45 vụ (60 hành vi); số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 225.100.000 đồng; bán hàng hóa tịch thu sung quỹ nhà nước: 16.500.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh hàng hoá nhập lậu; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không thực hiện niêm yết giá hàng hoá; vi phạm về đăng ký kinh doanh,...

Cũng liên quan tới kết quả công tác phòng chống tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành giám sát việc thực hiện tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bao gồm: 46 chiếc túi xách giả mạo nhãn hiệu Hermès, 37 đôi dép giả mạo nhãn hiệu Hermès, 09 chiếc dây lưng giả mạo nhãn hiệu Hermès, 01 chiếc vòng tay giả mạo nhãn hiệu Hermès, 01 chiếc ví da giả mạo nhãn hiệu Hermès, 01 chiếc khăn giả mạo nhãn hiệu Hermès; 50 chiếc đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng Thụy Sĩ, như: Cartier, Chanel, Longines, Omega, Patek Philippe, Rado, Rolex, Tissot.

Lực lượng chức năng cho biết, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 34.000.000 đồng, trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ là 19.220.000 đồng.

Theo VietQ