Lại ngộ độc rượu ngâm rễ cây khiến hai người thiệt mạng

Sau khi uống hơn một lít rượu ngâm rễ cây quý, 2 người đàn ông ở Quảng Nam lên cơn co giật và tử vong ngay sau đó.

Với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể, nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra khoản tiền lớn để có được bình rượu ngâm trong nhà. Tuy nhiên kiến thức hạn chế và sai lầm về cách ngâm rượu, dùng rượu đã khiến không ít người phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Mới đây, thông tin về vụ 2 cậu cháu tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam tử vong sau khi uống rượu ngâm từ rễ cây rừng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những tác hại của loại rượu này. Theo đó, vào ngày 28/8, hai cậu cháu là: Nguyễn Văn M. (SN 1977) và Vũ Quang V. (SN 1995) đi vào rừng tìm rễ cây về ngâm rượu để uống. Đến 21h30 cùng ngày, cả hai mang bình rượu ngâm rễ cây lạ ra một lán trại gần nhà cùng uống.

Sau khi uống hết nửa bình rượu (loại 1,5 lít), cả hai về nhà. Tuy nhiên, ít phút sau đó, ông M. lên cơn co giật rồi tử vong. Anh V. về ngủ và cũng được phát hiện tử vong ngay trên chiếc võng của nhà mình.

Lại ngộ độc rượu ngâm rễ cây khiến hai người thiệt mạng

Bình rượu ngâm rễ cây lạ khiến 2 cậu cháu tử vong. Ảnh: Thanh tra 

Trước đó, vào ngày 12/3, tại nhà ông Moong Văn Đ. trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cũng xảy ra tình trạng ngộ độc rượu ngâm rễ cây. Vụ việc khiến 3 người tử vong, một người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Được biết, hàng năm, có hàng trăm trường hợp ngộ độc do rượu ngâm, nếu nhẹ thì có biểu hiện nôn mửa, rối loạn hành vi, một số khác nặng hơn thì bị hôn mê sâu, truỵ mạch, thậm chí là tử vong.

Để ngâm được một bình rượu, người ngâm phải đảm bảo rượu và nguyên liệu rõ nguồn gốc, rượu nấu phải có độ cồn cao khoảng 45 - 550, nhất là khi ngâm động vật vì khi ngâm động vật với rượu có độ cồn thấp sẽ dễ bị ôi hư, phân hủy và sản sinh ra chất độc hại.

Khi ngâm rượu thì phải đúng bài, đúng vị. Tuyệt đối không dựa vào tin đồn mà mua nguyên liệu lạ về ngâm và khi uống rượu thì phải đúng liều lượng vì nếu uống nhiều thì có thể có phản ứng của cơ thể, nhất là những người mắc bệnh dạ dày, gan.

Tốt nhất chỉ nên dùng 1 - 2 ly nhỏ cách ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nên kết hợp ăn uống đầy đủ dưỡng chất và có chế độ rèn luyện phù hợp để đảm bảo sức khỏe.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo, khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây để ngâm rượu bởi dễ chọn nhầm loại cây có độc tính và không nên lạm dụng rượu, bởi vì khi cơ thể tiếp nhận một lượng lớn rượu, sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kể cả việc sử dụng dụng rượu bổ.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Công Long, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng cho biết, ngộ độc rượu là tình trạng khá nghiêm trọng ở Việt Nam từ trước đến nay. Hầu hết các loại rượu tự nấu đang bán trên thị trường đều chưa qua kiểm soát an toàn chất lượng, trong đó nhiều loại chứa hàm lượng độc tố rất cao.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, để tránh ngộ độc, chúng ta không nên dùng nhiều rượu, chỉ uống loại đã được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Ngoài ra cần lưu ý, sau khi uống rượu bia nên tránh dùng các chất và thức uống như cà phê, nước ngọt, nước có ga. Khi say rượu không nên uống nước chanh pha mật ong để giải rượu vì có thể sẽ khiến cho tình trạng ngộ độc nặng hơn.

Theo VietQ