Làm gì để thoát khỏi 90 phút "cửa tử" khi bị rắn cắn?

Theo tin từ BV Bạch Mai, chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, tại khoa Nhi đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhi đến điều trị vết thương do rắn cắn. Đây là con số tăng đột biến so với những năm trước.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện đang là thời điểm mưa nhiều, loài rắn tìm nơi khô ráo để ẩn nấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân bị rắn cắn, đặc biệt là các em nhỏ.

Cháu Hương (tỉnh Hà Nam) mặc dù đang ở trong nhà nhưng vẫn bị rắn hổ mang cắn 2 vết vào chân. Ngay sau khi bị rắn cắn, cháu đã được người nhà sơ cứu vết thương và đưa đến viện cấp cứu. Tuy nhiên, do sơ cứu không đúng cách, khi nhập viện, vết thương của cháu đã lan rộng.

Trường hợp của cháu Hương không phải là hi hữu. Không ít trường hợp bố mẹ vì quá hoảng hốt, lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con mà thiếu bình tĩnh để sơ cứu ban đầu dẫn đến tình trạng nguy kịch.

lam-gi-de-thoat-khoi-90-phut-cua-tu-khi-bi-ran-can

Số bệnh nhân bị rắn cắn gia tăng. (Ảnh Shoha.vn).

Các bác sĩ khuyến cáo, người bị rắn cắn cần bình tĩnh xem xét triệu chứng tại chỗ như: Dấu răng, phù nề, màu sắc vùng da bị cắn... Nếu là rắn độc sẽ có 2 tuyến nọc và 2 răng độc. Khi cắn mổ từ trên xuống sẽ có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại 2 dấu răng trên vết cắn. 

Nếu là rắn thường (rắn không độc) như: Rắn nước, rắn bông súng, rắn lục cườm... không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.

Ngoài ra, người bị rắn cắn cũng có thể dựa vào triệu chứng toàn thân để phân biệt có phải rắn độc cắn hay không. Nếu bệnh nhân bị nhóm rắn hổ cắn, thời gian bị cắn đến tử vong nhanh nhất khoảng 90 phút, còn các loài rắn khác chậm hơn. Vì thế, cần phải chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức trước thời gian 90 phút. Nếu không nắm bắt thời gian vàng này, nhiều gia đình sẽ bỏ lỡ cơ hội cứu sống nạn nhân.

Thông thường khi bị rắn hổ, rắn lục cắn, nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, nôn ra máu...; rắn không độc cắn, phản ứng tại chỗ nhẹ, phản ứng toàn thân không có.

Khi bị nhóm rắn lục cắn, việc cần làm là giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử. Do đó, người nhà bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý không ga rô, rạch rộng, hút máu. Trong tình huống này, ga rô sẽ làm bệnh nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Cần băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Khi bị rắn cắn chỉ rửa bằng nước sạch hoặc dung dịch betadine và phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) khuyến cáo, người dân không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”. Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; cố gắng bắt hoặc giết rắn… bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.

 N.Giang

Theo Người Đưa Tin