Liên tiếp phát hiện sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Từ cuối tháng 4 đến 8/5, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, cơ quan chức năng đã tăng cường “dẹp loạn” việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Từ cuối tháng 4/2020 đến ngày 8/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.

lien-tiep-phat-hien-san-pham-thuc-pham-chuc-nang-quang-cao-nhu-thuoc-chua-benh

Một cảnh báo được đăng trên website của Cục An toàn thực phẩm ngày 8/5. Ảnh chụp màn hình

Những sản phẩm này được quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội như “thần dược” điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, thậm chí tiêu diệt được cả vi rút SARS-CoV-2, tăng sức đề kháng của cơ thể…

Thời gian qua, nhất là trong đợt dịch COVID-19, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Facebook xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai.

Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, như: Thành phần, công dụng, cảnh báo… trên trang web: www.vfa.gov.vn của Cục An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, khi có nghi ngờ lừa dối về sản phẩm, người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời đến Cục An toàn thực phẩm hoặc liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng: 0243.2321556, 0911811556 hoặc qua địa chỉ mail: [email protected] để cơ quan chức năng xác minh, kịp thời xử lý vi phạm.

Mục tiêu Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020

1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu.

Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.

3. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Theo GiaDinh