"Lỗ hổng miễn dịch" khiến nhiều chị em 25-40 tuổi dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Trong số hàng chục ca nhập viện điều trị sởi từ cuối năm 2018 đến nay tại BV Bạch Mai, chủ yếu là nữ bệnh nhân khoảng từ 25 đến 40 tuổi - độ tuổi được coi là lỗ hổng miễn dịch.

Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai hiện có 8 trường hợp người lớn đang điều trị bệnh sởi. Phần lớn trong số này là phụ nữ, thậm chí có nhiều người đang mang thai.

Chị N.T.A (24 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nôi) đang mang thai tuần thứ 25. Đây là lần thứ 2 mang thai của chị. Cách đây khoảng hơn 1 tuần, chị bỗng nhiên sốt cao, rồi các ban liên tục mọc từ mặt, cổ, lan xuống người. Lo lắng vì đang mang thai, chị vào viện Bạch Mai điều trị từ 3 ngày trước. Các bác sĩ chỉ định chị phải điều trị nội trú để theo dõi.

lo-hong-mien-dich-khien-nhieu-chi-em-25-40-tuoi-de-mac-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem

Bệnh nhân mang thai 25 tuần mắc sởi được khám, điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

“Tôi cũng không nhớ mình được tiêm vaccine phòng sởi hay chưa nữa, dù đây là lần mang thai thứ 2 của tôi” – chị T.A nói.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện.

Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì chỉ trong hai ngày gần đây (9-10/1), khoa đã có 8 ca. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt là có thai, phổi mãn tính.

Bộ Y tế cho biết năm 2018 tình hình bệnh dịch sởi có tăng đột biến. Cả nước có gần 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có gần 1.700 trường hợp dương tính với sởi, 2 ca tử vong (Hưng Yên, TP HCM).

Riêng Hà Nội và miền Bắc, các cơ sở y tế ghi nhận 5.100 ca sởi, cao gấp 17 lần so với năm 2017. Tại Hà Nội, Sở Y tế TP này cho biết năm 2018 có 511 ca mắc sởi. Chủ yếu bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, hoặc chưa đủ mũi.

Theo các chuyên gia, điều kiện thời tiết đông – xuân như hiện nay rất dễ bùng phát virus sởi. Do đó, rất lo ngại chuyện dịch sởi sẽ quay lại như vụ dịch kinh hoàng năm 2014 (bùng phát từ tháng 3) theo chu kỳ 5 năm/lần, năm đó, có trên 100 trẻ tử vong do sởi, phần lớn vì lây nhiễm chéo trong viện.

“Vụ dịch đó, khoa chúng tôi điều trị cho 100 bệnh nhân là người lớn. Trong khi đó, vài ba tháng trở lại đây, chúng tôi đã tiếp nhận tới 50 ca” – TS Cường nói.

Hiện nay, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, thường xuyên có khoảng 20 bệnh nhân sởi nằm điều trị. Trong số hàng chục ca mắc sởi điều trị tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, nữ giới chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam giới, trong độ tuổi từ 25-40 tuổi.

lo-hong-mien-dich-khien-nhieu-chi-em-25-40-tuoi-de-mac-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai

Xét theo lứa tuổi sinh học, đây là giai đoạn con người có “lỗ hổng miễn dịch” khi kháng thể kháng bệnh yếu đi hoặc không còn. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ trước đây mình có tiêm phòng hay chưa. Trong khi đó, các bệnh nhân đa số đều tiếp xúc nguồn lây từ con nhỏ, hàng xóm, nơi tập trung đông người" - TS Cường cho biết.

Một điều đáng lưu ý theo TS Cường là không ít trường hợp chẩn đoán nhầm, nhiều bệnh nhân được chuyển đến từ các khoa khác như dị ứng (vì bệnh nhân nổi ban như dị ứng thuốc), hoặc nhầm với sốt do virus, rubella. Khi đến khoa Truyền nhiễm thì các bác sĩ phát hiện những triệu chứng sởi điển hình.

“Ở trẻ em, khi phát ban thì phát hiện ra ngay, không khó, nhưng với người lớn thì hay bỏ qua” – Trưởng khoa Đỗ Duy Cường nói.

Với thai phụ mắc sởi, TS Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác. Về nguy cơ di dạng thai thì chưa có bằng chứng khoa học.

Do đó, khi thai phụ mắc bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện theo dõi ngay. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên tiêm vaccine sởi – rubella - quai bị để phòng nhiễm bệnh. Trẻ em nên được tiêm vaccine phòng sởi đúng, đủ mũi.

Tuy nhiên, ý thức tiêm phòng của cha mẹ còn rất hạn chế. Tại phòng tiêm chủng, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, có ít người đưa con đi tiêm chủng chủ động. Mũi vaccine đơn đầu tiên phòng sởi phải từ 9 tháng tuổi. Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu hạ độ tuổi để tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ do trên thực tế, không ít trẻ chỉ mới 6 tháng đã bị sởi.

Sởi là bệnh lành tính, không phải bệnh dịch nguy hiểm. 90-95% sẽ tự khỏi không để lại biến chứng.

Triệu chứng sởi điển hình: Người bệnh có tiếp xúc nguồn lây trong 1-2 tuần, sốt cao, phát ban của sởi đặc trưng bởi ban đầu tiên ở mặt, sau, gáy lan xuống cổ, ngực, bụng, tay chân. Sau 3-5 ngày thì phát ban toàn thân.

Ban sởi lần sần mặt da, lấm chấm như rắc kê, vừng, không ngứa (để phân biệt ban dị ứng). Sau đó, có kèm hội chứng viêm long, kết mạc mắt đỏ, ho nhiều. Ở trẻ em có còn kèm theo tiêu chảy.

Sau khi mọc 1 tuần, ban sởi sẽ bay theo thứ tự mọc đâu bay đấy, để lại “vằn da hổ”. Bệnh nhân không cần bôi thêm loại thuốc gì để "tiêu ban".

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bị biến chứng viêm phổi, bội nhiễm vi khuẩn, viêm phế quản, viêm não...

Theo GiaDinh