'Loạn' kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Trong “tháng an toàn thực phẩm” lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước không ngừng tăng cường kiểm tra, xử lý mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều cơ sở vi phạm về kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo tin tức từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Phước, ngoài làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, lực lượng QLTT tỉnh còn tăng cường tăng cường kiểm tra xử lý “Tháng an toàn thực phẩm” và đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh phụ liệu tóc, mỹ phẩm Mai do bà Lê Thị Mai làm chủ có địa chỉ khu 6, phường Long Phước, thị xã Phước Long, T. Bình Phước.

loan-kinh-doanh-my-pham-nhap-lau-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

Lực lượng QLTT Bình Phước tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT Bình Phước

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh mỹ phẩm hết hạn sử dụng và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ 23 tuýt thuốc nhuộm tóc mang nhãn hiệu Everflor, loại 100 ml/tuýt; 10 tuýt sữa rửa mặt mang nhãn hiệu Eversoft, loại 50 g/tuýt và 10 chai kem dưỡng tóc nhãn hiệu SCALP, loại 120 ml/chai.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Đội QLTT số 2 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở với số tiền 7.500.000 đồng.

Tiếp đó, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Vân do bà Lê Thị Vân, làm chủ có địa chỉ khu 6, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Kiểm tra thực tế lực lượng QLTT đã phát hiện cơ sở này đang kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: 25 cây son môi mang nhãn hiệu WOD (loại 3,8 g/cây); 12 hộp phấn nén trang điểm mang nhãn hiệu Spring Son (loại 15 g/hộp); 20 hộp phấn trang điểm mang nhãn hiệu Apkil Skin (loại 15 g/hộp), hoàn chỉnh hồ sơ và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở với số tiền 7.500.000đ.

Tiếp đến, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Quỳnh Anh do bà Đỗ Thị Nhung làm chủ có địa chỉ tại: Thôn Tân Hiệp II, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Tại đây lực lượng QLTT đã phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Quỳnh Anh đang kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ 26 cây son môi hiệu LipColor, hoàn chỉnh hồ sơ và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở với số tiền 7.500.000 đồng.

Theo lãnh đạo Đội QLTT số 2, thời gian tới đội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh đối với mặt hàng mỹ phẩm nhất là tập trung đẩy mạnh triển khai công tác theo dõi quản lý địa bàn để nắm bắt xử lý, ngăn chặn kịp thời các cá nhân, tổ chức thông qua môi trường mạng Zalo, Facebook để thực hiện việc kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu; không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tác hại khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo chia sẻ của các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu trung ương, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mỹ phẩm đã trở thành một thứ sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, không chỉ chị em phụ nữ mới sử dụng mà cánh mài râu cũng khá đau đầu khi ngày càng có hàng trăm hàng nghìn thương hiệu khác nhau cùng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. 

Tuy nhiên bên cạnh những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng thì không ít sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trà trộn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng. 

Khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng có thể phá hủy cấu trúc tự nhiên của làn da, đồng thời còn tạo điều kiện cho một số loại kí sinh trùng gây hại như vi nấm, demodex…

Ngoài ra, với mỹ phẩm kém chất lượng còn làm da bị lệ thuộc Corticoid. Đây là một loại hóa chất bào mòn da vốn được dùng trong việc điều trị kháng viêm trong các trường hợp da bị nhiễm khuẩn gây độc có chứa trong kem trộn, khi dùng một thời gian da sẽ bị hủy hoại dần từ bên trong, sau dần da sẽ bị nám, mỏng, đỏ rát. 

Da trở nên thiếu sức sống, nhiễm khuẩn, dễ bị bắt nắng và mụn nhọt khiến da trở nên xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, một số trường hợp mặt bị phù, nếu tiếp tục dùng thì sẽ dẫn đến da bị teo, dãn mao mạch. Nặng hơn có thể làm rụng lông mày, lông mi, rụng tóc, viêm bờ mi...

Đặc biệt, khi ngưng dùng da nổi nhiều mụn, sần sùi, rất khó điều trị, làn da rất khó thích nghi với bất cứ sản phẩm nào sau đó, da dễ nhạy cảm hơn và có cảm giác châm chích ngứa thường xuyên xảy ra.

Ngay cả khi người dùng lập tức dừng lại khi thấy tác dụng phụ này thì da đã phải chịu tổn thương nặng nề, không thể nào cứu vãn. Do vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc này thì hãy là người tiêu dùng thông minh, hãy tìm hiểu thông tin sản phẩm rõ ràng qua nhiều nguồn, đừng chỉ tin vào người bán và các thông tin do người bán cung cấp.

Khi mắc phải các tác dụng không mong muốn trên hãy ngưng sử dụng và sớm tìm đến các trung tâm/ bệnh viện da liễu để được sự hướng dẫn điều trị từ y bác sĩ nhé.

Theo VietQ