'Loạn "nữ hoàng" thể hiện sự háo danh của một bộ phận người Việt'

Nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Nguyễn Ngọc Mai cho rằng việc loạn các danh xưng “nữ hoàng” như vừa qua nói lên bản chất háo danh của một bộ phận người Việt.

Chia sẻ cảm nhận về danh xưng mà Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam phối hợp với công ty cổ phần XNK ô tô Ngọc Minh tổ chức và trao cho bà Phạm Nữ Hiền Ngân vừa qua, TS. Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng- Viện nghiên cứu Tôn giáo thắng thắn: “Tôi thấy danh hiệu này hơi “lố”. Từ “nữ hoàng” có hai nghĩa: Một là chỉ những người phụ nữ thuộc hoàng thân quốc thích được kế nghiệp vương quyền một cách chính thức (nữ hoàng Lý Chiêu Thành); Hai là cách dân gian dùng trong ngoặc kép để chỉ những người xuất chúng ở một vài khía cạnh nào đó được số đông hâm mộ.

Ở đây, danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh thực chất là một phương thức tự tôn vinh, tự xưng trong bản hội hay một tổ chức nào đó. Nhưng nếu là trong một tổ chức mà phong tặng là “nữ hoàng văn hóa tâm linh” thì đó là sự lộng ngôn, lạm dụng danh xưng. 

Đã là một tổ chức hoạt động xã hội thì phải có tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ và phải có văn hóa của tổ chức đó chứ không thể cứ tổ chức các hoạt động nghề nghiệp hay văn hóa rồi tự phong nhau không theo quy tắc, chuẩn mực chung mà xã hội đặt ra.

Với danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh, để dành cho một thanh đồng thì điều này lại càng cần một tổ chức đủ về năng lực thẩm định và có chức năng để phong tặng.

loan-nu-hoang-the-hien-su-hao-danh-cua-mot-bo-phan-nguoi-viet

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Mai cho rằng, danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh cần được Hội đồng các nhà khoa học hiểu biết sâu sắc về tín ngưỡng Thờ Mẫu xét chọn

Thông thường, nếu một thanh đồng đủ tiêu chuẩn được phong tặng danh hiệu thì phải tham gia xét duyệt hồ sơ bởi một tổ chức có thẩm quyền. Tổ chức này phải bao gồm các thành viên là các nhà khoa học có uy tín hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực Thờ Mẫu và thực hành nghi lễ Lên đồng; Các nghệ nhân dân gian là những người am hiểu về tín ngưỡng thờ mẫu và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, người được tặng danh hiệu (dù là danh hiệu gì) thì cũng phải là người hoạt động lâu dài trong lĩnh vực đó, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực mà họ hoạt động, có công lao lớn trong gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình tôn giáo hay nghệ thuật đó, đặc biệt là có phẩm hạnh, uy tín tốt với nghề, bạn nghề…

Ở đây, khi tôn vinh danh hiệu này, trong tổ chức của Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam không rõ các quy trình đánh giá như thế nào? Những ai tham gia đánh giá, có chuyên môn hay không? Trong quá trình thực hiện tín ngưỡng, cô đồng này có được giới thanh đồng thừa nhận hay không? Có những đóng góp cụ thể gì hay chỉ là bỏ tiền tổ chức rồi tự tôn vinh lẫn nhau?”.

Về việc để được công nhận là Nữ hoàng văn hóa tâm linh thì cần phải đảm bảo những tiêu chí gì, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Mai cho rằng: “Để một danh hiệu văn hóa hay bất cứ một danh hiệu nào đó có giá trị thì nó phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn đã được tổ chức có thẩm quyền và chức năng phong tặng đặt ra.

Chẳng hạn như năm 2000 Hội văn nghệ dân gian VN tổ chức phong tặng “nghệ nhân dân gian” thì những người được vinh danh trong lĩnh vực của mình thường phải là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đó; Có những đóng góp quan trọng trong bảo tồn phát triển loại hình tín ngưỡng hay nghệ thuật mà người đó đang tham gia hoạt động; Có uy tín trong giới, bản hội; Đặc biệt có tâm trong nghề nghiệp… rồi mới trình hồ sơ lên Hội đồng khoa học của Hội, để thẩm định xét phong tặng và tổ chức lễ phong tặng đàng hoàng”.

loan-nu-hoang-the-hien-su-hao-danh-cua-mot-bo-phan-nguoi-viet

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Mai (trái)

Từ việc xuất hiện hàng loạt các “nữ hoàng” trong một lễ tôn vinh do Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam tổ chức và trao tặng gần đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Mai nêu quan điểm rằng, nó thể hiện bản chất háo danh, sính thành tích, thích phô trương của một bộ phận người Việt.

“Khi danh xưng/danh hiệu “nữ hoàng” bị lạm dụng thì tự thân nội hàm của danh xưng đó đã bị giảm giá trị hoặc mất đi ý nghĩa thực sự ban đầu. Đúng ra là họ đang tự lòe bịp nhau bằng những mỹ từ chứ không có thực chất. Nguy hại ở chỗ, khi đã háo danh thì người ta sẽ làm mọi cách để có danh vị. Thực chất là giải quyết vấn đề hình thức thôi.

Nhưng khi có danh vị rồi thì sẽ dẫn đến trạng thái tự huyễn hoặc về bản thân, thấy mình được nhận danh hiệu đó là xứng đáng, dẫn đến tự đắc, nghĩ mình cũng tài giỏi, rồi tham gia mọi hoạt động, phát ngôn mọi chỗ mọi nơi. Thậm chí dùng danh vị hão mà mua quyền lực thì vô cùng nguy hại”, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Mai nói.

Theo GiaDinh