'Lợi bất cập hại' khi tự ý mua gói thuốc C dự trữ điều trị COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, người dân cần thận trọng khi mua dự trữ gói thuốc C ( thuốc điều trị Covid-19) tại nhà vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.

Từ việc ngày càng có nhiều các F0 tự điều trị tại nhà, các loại thuốc chữa COVID-19 đang được rao bán và tìm mua rất sôi động trong suốt những ngày qua. Không ít người dân có tâm lý phòng ngừa khi trở thành F0, sẵn sàng chi tiền để mua các loại thuốc được cho là tự chữa và điều trị COVID-19.

Theo tin tức trên báo Lao Động, người dùng chỉ cần gõ “mua thuốc Molnupiravir” (nhóm C) trên thanh tìm kiếm Facebook, hàng chục kết quả có nội dung rao bán loại thuốc kháng virus này hiện ra. Giá thành chênh lệch khá nhiều, từ 3.600.000 đồng/hộp đến 9.500.000 đồng/hộp.

Đơn cử, đầu tháng 11, cả gia đình anh N.T.B ở thành phố Thủ Đức là F0 điều trị tại nhà. Trong giai đoạn đó, vì nhà có con nhỏ hơn 1 tuổi cũng mắc COVID-19, anh đã lo lắng và tìm trên mạng xã hội xem có nguồn thuốc điều trị COVID-19 bán không, vì không ít người cho biết đã mua được nên anh B. tìm cơ hội may mắn.

loi-bat-cap-hai-khi-tu-y-mua-goi-thuoc-c-du-tru-dieu-tri-covid-19

 Cẩn thận khi mua thuốc điều trị COVID-19 tại nhà. Ảnh: Lao động

Anh B. nhanh chóng tìm được một địa chỉ một người bán thuốc trên Facebook ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Qua trao đổi, để có được thuốc điều trị COVID-19 có tên là Molaz, đóng gói 40 viên/hộp, dùng được cho 2 bệnh nhân trong vòng 5 ngày với giá 9.500.000 triệu đồng.

Để tạo tâm lý an tâm cho anh B., người bán không quên tư vấn hàng miễn phí được cấp phát hiện nay không tốt bằng hàng nhập khẩu của Ấn Độ.

“Thời điểm đó tôi thấy giá cao quá nên gia đình đành đi kiếm nguồn khác để sử dụng, mua về mới dùng được 2 ngày thì đã khỏi nên tôi cất đi để dành, phòng khi nào cần thì có” anh B. chia sẻ.

Cũng là F0 đã khỏi bệnh, chị P.T.B.T ở TP Thủ Đức thấu hiểu được cảm giác khi có bệnh nhưng không có thuốc điều trị thì mệt mỏi và khả năng chuyển biến nặng nhanh như thế nào. Vì thế, sau khi hết F0 chị T. đã từ tìm nguồn thuốc Molnupiravir để gửi về cho bố mẹ ở quê sử dụng. Thời điểm hiện tại, theo chị T. giá từ 2.000.000 -3.000.000 đồng/hộp, thấp hơn nhiều so với đầu tháng 11.2021.

“Mẹ tôi ở quê cũng lớn tuổi rồi, chuẩn bị cho bà ít thuốc phòng thân khi không may bị nhiễm COVID-19 thì còn có thuốc hỗ trợ ít nhiều, tôi ở TPHCM cũng yên tâm hơn” chị B. chia sẻ.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế về sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, việc cấp phát thuốc đặc trị COVID-19 ưu tiên cho người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền sử dụng và sử dụng có sự theo dõi của bác sĩ.

Thực tế, thị trường bán thuốc trôi nổi vẫn rất nhộn nhịp, đơn cử tại TPHCM với gần 1000 ca nhiễm mỗi ngày được ghi nhận trong những ngày gần đây, thì việc xuất hiện tình trạng người dân tìm kiếm nguồn thuốc mua về tự ý muốn là không tránh khỏi. Các chuyên gia cảnh báo, nếu sử dụng không đúng sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và ngành y tế.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TPHCM cho biết: “Thuốc đặc trị COVID-19 như Molnupiravir không phải hoàn toàn vô hại, vì thực tế nó có độc tính với trẻ em, phụ nữ mang thai. Nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, với những trẻ chưa phát triển sụn hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số phát triển và chiều cao của trẻ. Còn đối với phụ nữ mang thai, có thể bị sinh non, dị tật thai nhi…”.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, việc người dân có tư tưởng mua tích trữ thuốc còn gây ra tình trạng khan hiếm thuốc, người cần thì không có người chưa cần tới lại có. Hiện nay, ở Mỹ hạn chế sử dụng thuốc kháng virus SARS-CoV-2 vì bất kỳ một loại kháng sinh hay virus nào cũng đều có độc tính, nếu dùng tràn lan sẽ gây nên hiện tượng kháng thuốc, thậm chí đột biến.

Quan ngại về vấn đề trên, bác sĩ Lê Nguyễn Hà Anh (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 198, Bộ Công an) bày tỏ quan điểm rằng, thuốc điều trị COVID-19 được chỉ định theo giai đoạn bệnh, phân độ theo mức độ của Bộ Y tế. Khi điều trị sai giai đoạn hoặc sai triệu chứng của bệnh, những thuốc tự ý mua vô hình chung không mang lại những hiệu quả tốt mà có thể mang lại những tai biến, biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dùng.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế cũng ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà nêu rõ thuốc điều trị cho F0 trên 18 tuổi gồm 3 nhóm là nhóm A, B và C. Trong đó cũng điều chỉnh một số chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đối với Favipiravir, Remdesivir và Molnupiravir.

- Nhóm A : Paracetamol 500mg, Vitamin tổng hợp, Vitamin C…

- Nhóm B: thuốc kháng viêm và thuốc chống đông

- Nhóm C: Monupiravir, Favipiravir

Theo các chuyên gia y tế, đây là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị COVID-19 ở Việt Nam. Vì thế, việc người dân tự ý mua các loại thuốc trôi nổi trên thị trường là điều hết sức nguy hiểm đối với chính tính mạng của mình, người thân và gia đình.

Đồng thời, tại Việt Nam nên nói rõ ưu điểm, khuyết điểm cho người dân hiểu để có thể cân nhắc khi sử dụng. Bởi hiện nay, chúng ta chỉ phát đi thông điệp “ưu tiên” cho người lớn tuổi, người già. Tuy nhiên, ở nước ngoài họ chỉ dùng cho người lớn tuổi, người có bệnh lý nền với các loại thuốc đặc trị COVID-19 này.

Theo VietQ