Lời nguyền khủng khiếp của viên kim cương khiến người đeo có kết cục bi thảm?

Viên kim cương có tên Hope được đồn đại là mang theo một lời nguyền chết chóc. Theo đó, những ai từng đeo viên kim cương này trên tay đều có một kết thúc bi thảm, từ các vị vua, hoàng tử đến nhà sưu tập đá quý.

Kim cương được xem là một loại đá quý có giá trị bậc nhất, hay được sử dụng để làm trang sức cho những con người giàu có, quyền quý. Kim cương không chỉ có một hình thái và màu sắc là trắng mà nó còn nhiều dạng khác nhau. Sắc đẹp của những viên kim cương đã mê hoặc biết bao nhiêu người khiến họ sẵn sàng chi ra một khoản tiền khổng lồ để sở hữu. Tuy nhiên, trên thế giới lại tồn tại những viên kim cương khiến con người ta khiếp sợ. Một trong số đó là viên kim cương có tên gọi Hope.

Ngày nay, viên kim cương được đặt tại bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở thủ đô Washington, Mỹ. Đây là viên kim cương nổi tiếng nhất trong nhiều thế kỷ qua, với quá khứ mang đậm chất huyền thoại, bí ẩn và kinh dị. Nhắc đến Hope, nhiều người cũng tò mò về lời nguyền chết chóc liên quan đến nó. Theo Mentalfloss, có ít nhất 10 nạn nhân đã phải chết thê thảm sau khi chạm vào viên kim cương này.

Câu chuyện về Hope được bắt đầu khi thương gia Pháp, Jean Baptiste Tavernier, mua một viên kim cương nặng hơn 112 carat. Theo nhiều người, viên kim cương lớn này được đào lên từ khu mỏ Kollur ở Golconda, Ấn Độ và có hình tam giác. Màu sắc của nó, theo miêu tả của Tavernier, là "một màu tím xinh đẹp".

Lời nguyền khủng khiếp của viên kim cương khiến người đeo có kết cục bi thảm?

Mặt dây chuyền bao quanh viên kim cương Hope là 16 viên kim cương trắng. 45 viên kim cương trắng khác đính trên chuỗi vòng cổ treo mặt dây chuyền. Ảnh: Stiedu. 

Tuy nhiên, có người khác nói rằng viên kim cương được Tavernier đánh cắp từ một ngôi đền ở Ấn Độ. Do đó, nó mang theo những lời nguyền khủng khiếp mà không ai biết. Nạn nhân đầu tiên là Tavernier. Ông ta chết không lâu sau khi trộm viên đá quý. Một số tài liệu mới đây đã phủ nhận thông tin về cái chết này và cho rằng Tavernier đã sống đến năm 84 tuổi.

Năm 1668, Tavernier bán "cực phẩm" này cho vua Louis XIV cùng 14 viên kim cương lớn nhỏ khác, theo Siedu. Năm 1673, viên đá đã được thợ kim hoàn nổi tiếng Sieur Pitau mài giũa lại, chỉ còn nặng hơn 67 carat. Trong biên bản kiểm kê đồ đạc của hoàng gia Pháp, màu sắc của viên kim cương này được miêu tả là màu xanh da trời. Được nhà vua đeo bên mình trong các dịp lễ. Tuy nhiên, vua Louis XIV cũng chết không lâu sau đó và những người con hợp pháp của ông đều chết yểu, chỉ còn một người.

Nạn nhân tiếp theo là Nicholas Fouquet, một cận thần của Louis XIV. Ông ta đã đeo viên kim cương này trong một dịp đặc biệt và cũng không lâu sau đó, người này bị thất sủng, bị giam cầm suốt 15 năm.

Năm 1791, khi Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette chạy khỏi nước Pháp, viên ngọc quý được Kho bạc hoàng gia Pháp cất giữ và chuyển nhượng cho chính phủ lâm thời. Nó bị đánh cắp vào tháng 9/1792. Và những người chủ của nó, Louis và Marie đều có cái kết bi thảm.

Bạn thân của hoàng hậu, công chúa Marie Louise xứ Savoy, cũng từng đeo viên kim cương này, đã bị sát hại dã man. Đầu của bà được treo ở cửa sổ phòng giam của Hoàng hậu. Năm 1812, một viên kim cương xanh nặng hơn 40 carat xuất hiện ở London. Người ta tin rằng, đây chính là viên "kim cương xanh của nước Pháp" và được đặt tên mới là Hope (Hy vọng). Vua George IV của Anh đã mua lại viên kim cương. Khi vua qua đời vào năm 1830, ông đã để lại một khoản nợ lớn. Do đó, viên kim cương được rao bán tuy nhiên mọi thảm họa vẫn chưa dừng lại cho đến khi bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở thủ đô Washington, Mỹ sở hữu vào tháng 11/1958.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, lời nguyền khủng khiếp của nó chỉ dừng lại khi không thuộc quyền sở hữu của ai cả, bởi khi ở bảo tàng này, nó chỉ là một vật để du khách chiêm ngưỡng không hơn không kém.

Tương tự, viên kim cương Taylor-Burton 69 carat được cắt từ khối kim cương thô nặng 240 carat tại một mỏ khai thác ở Nam Phi năm 1966. Năm 1967, tài tử người Anh Richard Burton mua viên kim cương nổi tiếng này từ hãng trang sức Cartier với giá 1,1 triệu USD để tặng Elizabeth Taylor.

Lời nguyền khủng khiếp của viên kim cương khiến người đeo có kết cục bi thảm?

Viên kim cương Taylor-Burton. Ảnh: The Richest 

Viên kim cương khổng lồ và đắt đỏ này thể hiện tình yêu lãng mạn của hai người, nhưng cũng là biểu trưng cho sự đổ vỡ sau đó. Năm 1978, sau lần ly hôn thứ 2 của hai người, Taylor đã bán nó đi và dùng tiền để mua một bệnh viện tại Botswana, châu Phi, gần mỏ khai thác tìm ra nó.

Theo VietQ