Lời 'tiên tri' từ năm 1968 đã đúng với TikTok

Giới tâm lý học cảnh báo những “hot TikToker” quá nhỏ có thể mắc bệnh tâm lý khi cuộc sống của chúng liên tục được mọi người trên toàn thế giới chú ý.

Năm 1968, họa sĩ nổi tiếng Andy Warhol từng dự đoán trong tương lai "mọi người sẽ nổi tiếng toàn thế giới chỉ trong 15 phút". Ông đã đoán đúng. Giờ đây, chỉ cần một chiếc iPhone và gương mặt ưa nhìn, ai cũng có thể nổi tiếng qua TikTok.

Nhưng Andy Warhol sẽ không tài nào tưởng tượng nổi sức mạnh của các mạng xã hội hiện tại, biến một đứa trẻ trở nên nổi tiếng chỉ trong chớp mắt. Nhiều tài khoản được theo dõi đông đảo trên TikTok vẫn chưa đến tuổi trưởng thành, đơn cử như Charli D’Amelio mới 16 tuổi hay Loren Gray 18 tuổi.

loi-tien-tri-tu-nam-1968-da-dung-voi-tiktok

Chưa bao giờ trẻ em dễ thành "sao" như ngày nay. Ảnh: NY Times.

Cơn nghiện danh tiếng

Các chuyên gia tâm lý nhận định những ngôi sao nhí này sẽ vướng phải nhiều khúc mắc trong quá trình trưởng thành do sự nổi tiếng đến quá sớm.

Theo Ciarán Mc Mahon, tác giả cuốn Tâm lý học truyền thông xã hội, khác với các sao nhí trước đây, những "hot TikToker" sẽ gặp nhiều rắc rối hơn trong cuộc sống hiện đại, khi bao quanh bởi mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng.

Sự ra đời các ứng dụng như TikTok đã kết nối nhiều người lại với nhau. Tuy nhiên, nó cũng làm thay đổi định nghĩa về sự nổi tiếng cũng như định hình lại quá trình trở thành người ảnh hưởng. Chưa bao giờ, trẻ em dễ dàng trở thành “sao” như ngày nay.

Theo Tiến sĩ tâm lý truyền thông Pamela Rutledge, giai đoạn trước 25 tuổi là thời gian để mọi người phát triển những kỹ năng như đánh giá rủi ro, lên kế hoạch. Nhưng nếu nổi tiếng khi chưa trưởng thành, con người sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển những kỹ năng đó, cũng như khó kiểm soát cuộc sống thực tế so với bạn cùng trang lứa.

Những đứa trẻ nổi tiếng này nhiều khả năng mắc bệnh tâm lý như các sao nhí nổi tiếng một thời của Hollywood trước đây: Lindsay Lohan, Drew Barrymore hay Michael Jackson.

loi-tien-tri-tu-nam-1968-da-dung-voi-tiktok

Nổi tiếng khi chưa trưởng thành, con người sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển những kỹ năng sống. Ảnh: NY Times.

"Từ khi nổi tiếng, cuộc sống của tôi trở nên rất kỳ lạ. Hôm trước tôi còn là một cô bé bình thường, hôm sau đã được nhiều người lôi kéo xin ký tặng, chụp ảnh cùng, thậm chí họ còn muốn chạm vào tôi. Thật đáng sợ", Drew Barrymore chia sẻ với People vào năm 1989.

Vô số các sao nhí khác ở Hollywood cũng có trải nghiệm tương tự trong suốt thế kỷ qua. Nhiều người mắc phải các chứng như nghiện rượu, ma túy, bệnh tâm lý và gặp rắc rối với gia đình.

Theo Tiến sĩ Rockwell, chuyên gia nghiên cứu tâm lý học lâm sàng, khi một cá nhân trở nên nổi tiếng, vì nhận được quá nhiều sự chú ý, họ quên đi sự đồng cảm cho người khác. Kể cả người trưởng thành cũng gặp khó khăn khi bị cuốn vào cuộc sống đầy hào quang.

Đối với một đứa trẻ, khó khăn này nhân lên 10 lần, khi tâm trí chúng vẫn còn chưa hoàn thiện. Chúng trở nên lạc lõng và đánh mất bản thân trong sự nổi tiếng, buộc chính mình phải cư xử và hành động như tính cách mà chúng tạo ra trên mạng xã hội.

Giá trị phù phiếm

Để thu hút người dùng, TikTok công khai các số liệu như lượt thích, người theo dõi và lượt xem. Cộng thêm tốc độ phản hồi siêu nhanh của mạng xã hội, nhiều người trở thành những con nghiện, dùng chỉ số ảo để đánh giá mức độ thành công của ai đó trong xã hội thực.

Những người trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội này chịu nhiều gánh nặng tâm lý, do áp lực vô hình từ “giám sát viên” là người xem trực tiếp trên toàn thế giới. Chúng bị ám ảnh phải nổi tiếng và sẽ làm mọi cách để được chú ý.

loi-tien-tri-tu-nam-1968-da-dung-voi-tiktok

Danh tiếng là một trong những loại thuốc gây nghiện nhất và TikTok lại đang cung cấp rất nhiều loại thuốc này. Ảnh: Nikkei.

Không riêng giới trẻ, sự nổi tiếng trên mạng xã hội cũng ăn sâu vào tiềm thức từng người đến nỗi khi đăng một bài viết, đa số đều vô thức mong muốn bài đăng đó được nhiều người xem hơn.

Danh tiếng là một trong những loại thuốc gây nghiện nhất. Khi được chú ý, cơ thể sẽ có những phản ứng như được ban thưởng. Song khi không còn nhận được những “phần thưởng”, cá nhân đó sẽ tìm cách khác để thỏa mãn. Thế nên, nghiện danh tiếng cũng dễ dàng dẫn sang các loại nghiện khác, như rượu và ma túy.

Bản chất phù phiếm của danh tiếng lại càng được nâng cao trên phương tiện truyền thông xã hội, nơi mà chỉ vài phút lại có video mới xuất hiện. Có hàng nghìn thanh thiếu niên trên khắp thế giới "nổi tiếng" qua TikTok, hầu hết trong số đó đều không thể duy trì được lâu dài.

Theo Zing

----

Xem thêm:

TikTok - mạng xã hội đáng sợ, bị cả thế giới tẩy chay

Chỉ trong một quãng thời gian ngắn, TikTok trở thành "mạng xã hội đáng sợ nhất thế giới". Tại sao ứng dụng Trung Quốc bị tẩy chay dữ dội như vậy?

Ngày 7/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Fox News rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét cấm TikTok. Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng đã đóng sập cánh cửa với TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác tại thị trường Nam Á 1,35 tỷ dân.

Ngân hàng Wells Fargo & Co. mới đây yêu cầu các nhân viên loại bỏ TikTok khỏi điện thoại làm việc do những lo ngại về bảo mật. Hôm 10/7, Amazon cũng yêu cầu nhân viên xóa TikTok khỏi thiết bị di động mà họ sử dụng để truy cập vào email công ty. Nhưng sau đó, Amazon thông báo hướng dẫn này chỉ là một lỗi.

Không giống với bê bối của Cambridge Analytica hay Yahoo, việc Mỹ tẩy chay TikTok xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bê bối gần đây nhất là vụ TikTok bị phát hiện lén truy cập dữ liệu clipboard từ điện thoại của người dùng. Tuy nhiên, hơn 50 ứng dụng khác như LinkedI hay ứng dụng New York Times cũng làm điều tương tự.

tiktok-mang-xa-hoi-dang-so-bi-ca-the-gioi-tay-chay

TikTok đang đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội. Ảnh: Getty Images.

Chủ sở hữu Trung Quốc

Thứ duy nhất khiến TikTok khác biệt là nguồn gốc Trung Quốc. TikTok hoạt động tại Mỹ, có CEO là người Mỹ, nhưng chủ sở hữu là ByteDance, một tập đoàn có trụ sở ở Trung Quốc. Phần lớn lo lắng đến từ câu hỏi liệu ByteDance kiểm soát bao nhiêu hoạt động của TikTok.

Giống trường hợp Huawei, chính phủ Mỹ rất lo ngại TikTok phục vụ các hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Những lo ngại đó có nghĩa là phía Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một ứng dụng được chống lưng bởi Trung Quốc trên điện thoại người Mỹ.

Về mặt thu thập dữ liệu cá nhân, không ai biết TikTok đang làm những gì. Giới chuyên môn cho biết ứng dụng này thu thập rất nhiều dữ liệu và không ít trong số đó không có mục đích rõ ràng. Tuy nhiên, hàng loạt ứng dụng di động khác cũng có những hành vi tương tự.

Về phần mình, TikTok nhấn mạnh rằng trụ sở của công ty nằm tại Mỹ. "TikTok cũng được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên, lãnh đạo chủ chốt về an toàn, bảo mật, sản phẩm và chính sách công cộng ở Mỹ", công ty Trung Quốc tuyên bố.

"Chúng tôi không bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Ngay cả khi được chính quyền Trung Quốc yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ không làm", TikTok nhấn mạnh.

tiktok-mang-xa-hoi-dang-so-bi-ca-the-gioi-tay-chay

TikTok có trụ sở tại Mỹ nhưng chủ sở hữu là ByteDance của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, ngay cả khi TikTok không làm điều gì khác thường, ứng dụng này vẫn trở nên nguy hiểm hơn với Mỹ và phương Tây vì mối quan hệ chính trị với chính phủ Trung Quốc.

Các chuyên gia giải thích vấn đề là với hành vi thu thập dữ liệu của TikTok, tình báo Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội này như một cổng thông tin để giám sát những người dùng cụ thể và thu thập thông tin. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ điệp viên Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ.

Do đó, TikTok hoàn toàn có thể trở thành một rủi ro lớn đối với các tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Amazon hoặc Wells Fargo, bởi chúng sở hữu những công nghệ mà Trung Quốc có thể muốn đánh cắp.

Chỉ còn đường cắt đứt

Và chỉ cần chính quyền Bắc Kinh gây áp lực lên TikTok thông qua công ty mẹ ở Trung Quốc, tình báo nước này sẽ luôn có cách âm thầm theo dõi người dùng. Vì vậy, đối với Mỹ và phương Tây, người dùng TikTok không thể an toàn.

Hồi tháng 4, Zoom bị bắt gặp chuyển hướng các cuộc gọi ở nước ngoài về máy chủ tại Trung Quốc. Hành vi này nghiêm trọng hơn nhiều so với bê bối của TikTok. Equifax đánh mất dữ liệu của hơn 100 triệu người. Chúng chắc chắn nhiều thông tin hơn những gì TikTok từng thu thập. Tuy nhiên, đây vẫn là các tổ chức phương Tây.

Chính phủ Mỹ tình nghi TikTok hợp tác với tình báo Trung Quốc. Do đó, công ty này sẽ luôn gây lo ngại bất chấp mọi lời trấn an. Trong thời gian qua, TikTok luôn khẳng định công ty này hoàn toàn độc lập với ông chủ Trung Quốc.

Nhưng có một điều không thể phủ nhận. Đó là TikTok vẫn thuộc về ByteDance, một tập đoàn Trung Quốc. Cách duy nhất để TikTok xóa bỏ mọi nghi ngờ là cắt đứt mối quan hệ giữa công ty ở Trung Quốc với tập đoàn mẹ ByteDance. Và chính phủ Mỹ có thể làm điều đó thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ.

tiktok-mang-xa-hoi-dang-so-bi-ca-the-gioi-tay-chay

TikTok khiến người dùng bất an vì mối quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Phương pháp này nếu được Mỹ áp dụng sẽ có ảnh hưởng cực lớn, không chỉ đối với TikTok. Ứng dụng WeChat chủ yếu được sử dụng ở Trung Quốc nhưng có đến hơn 1 triệu người dùng tại Mỹ. Nhiều người trong số họ là người nhập cư muốn liên lạc với người thân ở Trung Quốc.

WeChat bị cáo buộc là thường xuyên giám sát người dùng bên ngoài Mỹ và kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm. Nếu mạnh tay, chính phủ Washington thậm chí có thể loại bỏ hàng loạt ứng dụng Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ và chặn đứng dòng đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty Mỹ. Theo The Verge, trên thực tế Trung Quốc đã làm như vậy với các công ty Mỹ.

Các nền tảng lớn của Mỹ không thể hoạt động ở Trung Quốc. Nhờ đó, Weibo và WeChat phát triển mạnh tại thị trường này. Quan hệ hai nước càng căng thẳng thì doanh nghiệp hai bên càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, The Verge cho rằng việc TikTok bị đánh bật khỏi thị trường Mỹ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Theo Zing