Lũ nhấn chìm miền nam Trung Quốc, chuyên gia lo vỡ đập Tam Hiệp

Trận lũ đang càn quét miền nam Trung Quốc được đánh giá là dữ dội nhất trong 80 năm qua, buộc nhiều tỉnh thành phải kích hoạt báo động đỏ. Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang đang chịu sức ép rất lớn.

Lưu vực sông Trường Giang (hay Dương Tử) hiện đang bước vào mùa mưa lũ, tuy nhiên lũ trên thượng nguồn đập Tam Hiệp - công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới - năm nay đạt quy mô chưa từng thấy kể từ năm 1940.

Cảnh báo mưa lũ mức cao nhất đã được phát ra cho các cộng đồng dân cư ở trung và hạ nguồn, bao gồm 10 tỉnh thành gồm Quý Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và Quảng Tây.

Đăng lên Twitter video cảnh nước chảy như thác xuống tường ngăn lũ ở Trùng Khánh, tác giả đoạn tweet người Trung Quốc mô tả: "Thành phố núi Trùng Khánh đã trở thành thành phố nước. Đập Tam Hiệp đang gặp nguy".

lu-nhan-chim-mien-nam-trung-quoc-chuyen-gia-lo-vo-dap-tam-hiep

Nước chảy như thác ở Trùng Khánh - Ảnh chụp màn hình

Thực tế, lũ ở thượng nguồn sông Trường Giang đang gây không ít lo ngại cho đập thuỷ điện Tam Hiệp, có lẽ là thử thách lớn nhất cho công trình biểu tượng của Trung Quốc kể từ khi khánh thành năm 2003.

Mực nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp chạm mốc 147m vào cuối tuần trước, cao hơn 2m so với mức cảnh báo lũ. Lưu lượng nước đổ về tăng từ 20.500m3/s lên 26.500 m3/s chỉ sau một ngày, làm dấy lên lo lắng cấu trúc đập đang chịu sức ép lớn và người dân gần đó cần được sơ tán ngay lập tức.

Trái với tuyên bố trấn an của truyền thông nhà nước, nhà khoa học Trung Quốc Wang Weiluo, một chuyên gia thuỷ văn, mới đây cảnh báo rằng đập Tam Hiệp không ổn định như người ta tưởng, nó có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Trong cuộc phỏng vấn với Radio France Internationale, ông Wang cho rằng mối lo lớn nhất chính là những vết nứt và chất lượng bê tông không đảm bảo được phát hiện trong lúc công trình đang xây dựng.

Trong cuộc họp báo ngày 10-6, thứ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc Ye Jianchun cũng thừa nhận mực nước trên ít nhất 148 con sông ở Trung Quốc đã dâng cao trên mức cảnh báo, chứng tỏ rằng khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ có giới hạn.

Theo báo Taiwan News, trên mạng xã hội những ngày qua xuất hiện nhiều video ghi lại cảnh nước dâng nhấn chìm thành phố, làng mạc ở miền nam Trung Quốc.

Ở tỉnh Quý Châu, mưa đã kéo dài suốt 1 tuần, gây ra lũ quét, sạt lở núi... Có 6 khu vực chìm hoàn toàn dưới nước, sâu nhất đến 4m, thương vong chưa thể thống kê hết.

Hôm 22-6, Trạm quan trắc thuỷ văn Trùng Khánh lần đầu tiên trong 80 năm qua đưa ra báo động đỏ trên sông Kỳ Giang - một nhánh thượng nguồn của sông Trường Giang.

Chỉ trong vòng 8 giờ sau, dòng nước đục ngầu đã cuồn cuộn trên đường phố Trùng Khánh, nhấn chìm toàn bộ trạm xăng, cột đèn, buồng điện thoại công cộng...

Tin tức địa phương cũng hỗn loạn như chính thời tiết, một số cơ quan báo đài thậm chí bị mất liên lạc do thời tiết, phương tiện thì bị nước cuốn trôi.

Phúc Long

Theo Tuổi trẻ

----

Xem thêm:

Trung Quốc nói đập Tam Hiệp 'còn nguyên' dù mưa lớn làm nước về nhiều hơn

Truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn, trong lúc có nhiều thông tin nói con đập thủy điện lớn nhất thế giới này có nguy cơ vỡ ngay trong mùa mưa năm nay.

trung-quoc-noi-dap-tam-hiep-con-nguyen-du-mua-lon-lam-nuoc-ve-nhieu-hon

Bức ảnh trên Google Map cho thấy một đoạn của đập Tam Hiệp bị lõm vào đã không nhận được sự giải thích của tập đoàn quản lý - Ảnh: South China Morning Post/Google Maps

Các khu vực phía nam và đông Trung Quốc đang trải qua mùa mưa khó lường. Mưa lớn trên diện rộng kéo dài gây lũ lụt và ảnh hưởng tới cuộc sống ít nhất 2 triệu người, thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỉ nhân dân tệ.

Mực nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp đã chạm mốc 147m vào cuối tuần trước, cao hơn 2m so với mức cảnh báo lũ. Lưu lượng nước đổ về tăng từ 20.500 m3/s lên 26.500 m3/s chỉ sau một ngày làm dấy lên nhiều lo lắng cấu trúc đập đang đứng trước sức ép lớn và người dân gần đó cần được sơ tán ngay lập tức.

Tin đồn về đập Tam Hiệp sắp vỡ trên một số tờ báo phương Tây như đổ thêm dầu vào lửa buộc truyền thông nhà nước Trung Quốc phải lên tiếng.

Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 22-6 dẫn lời một số chuyên gia khẳng định đập Tam Hiệp được thiết kế để đủ sức chịu nhiều áp lực hơn như thế.

Ông Guo Xun, nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học kỹ thuật Trung Quốc, khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn kể cả khi mực nước tại hồ chứa cao tới 175m và lưu lượng nước đổ về đạt 75.000 m3/s.

Ông này cũng lưu ý việc mực nước hiện tại cao hơn mức cảnh báo lũ 2m nghĩa là Tam Hiệp cần phải xả đập để giữ lại cân bằng.

"Tuy nhiên, đây là chuyện bình thường trong mùa mưa. Nước không phải là thách thức lớn với hồ chứa", Guo khẳng định.

trung-quoc-noi-dap-tam-hiep-con-nguyen-du-mua-lon-lam-nuoc-ve-nhieu-hon

Xả nước từ hồ chứa đập Tam Hiệp - Ảnh: XINHUA

Tân Hoa xã không phủ nhận các tin đồn hay khẳng định sự an toàn tại đập Tam Hiệp. Thay vào đó, cơ quan thông tấn này phát đi bản tin về số lượng tàu thuyền đi qua đập trong năm 2019 và 16 năm trước đó.

Tân Hoa xã khẳng định hệ thống "thang máy" dành cho tàu bè tại đập Tam Hiệp cũng như nhiều cấu trúc khác của nó vẫn an toàn. Năm 2019, có đến 146 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua các âu tàu của Tam Hiệp.

Đây không phải là lần đầu tiên siêu đập thủy điện của Trung Quốc bị đồn sắp vỡ tung. Hồi năm ngoái, một bức ảnh trên Google Map cho thấy một đoạn của đập Tam Hiệp bị lõm như thể đang phải chịu một sức ép cực lớn.

Tập đoàn đập Tam Hiệp sau đó phải lên tiếng khẳng định công trình vẫn an toàn, rằng trong khi các biến dạng vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ không làm ảnh hưởng tới đập bởi vẫn trong độ đàn hồi an toàn.

Đập Tam Hiệp hiện vẫn giữ kỷ lục đập thủy điện lớn nhất thế giới với 34 tổ máy phát điện, cho phép đạt công suất tới 22.500 MW.

Công trình bao gồm một con đập dài 2.309m, cao 185m nằm chắn ngang sông Dương Tử. Chi phí xây dựng hơn 30 tỉ USD tính từ thời điểm khởi công năm 1994.

Bảo Du

Theo Tuổi trẻ

-----

Xem thêm:

+Trung Quốc xả nước cứu sông Mê Kông: Bao nhiêu lâu nước về ĐBSCL?

+Dân Trung Quốc ở Nga làm giả kết quả xét nghiệm COVID-19 để được về nước

+Đắk Nông: Thêm ổ dịch bạch hầu thứ 3, cách li hơn 650 người

---