Lừa đảo đi xuất khẩu lao động: Nhiều trường hợp sập bẫy lừa

Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hang loạt vụ lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường Hàn Quốc để chiếm dụng tài sản.

Cuối tháng 1.2019, cơ quan Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt tạm giam đối tượng Lê Thị Hồng Lý (35 tuổi) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, năm 2018, Lý đã hứa chạy việc cho anh Lê Xuân Lộc (Hà Nội) để anh này sang làm việc tại Hàn Quốc. Hai bên thỏa thuận, nếu được đi xuất khẩu lao động với công việc trồng nấm linh chi, tiền lương 40-50 triệu đồng một tháng trong bốn năm, anh Lộc phải trả cho Lý 310 triệu đồng lệ phí.

lua-dao-di-xuat-khau-lao-dong-nhieu-truong-hop-sap-bay-lua

  Lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn Quốc để sang nước này làm việc.   Ảnh: H.K

Tháng 7.2018, Lý hai lần nhận tiền, tổng cộng 6.000 USD từ anh Lộc. Trong thời gian này, anh Lộc giới thiệu thêm hai người có nguyện vọng như mình. Lý thu của hai người này thêm 240 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền đã đưa mà anh Lộc và bạn vẫn không thể đi lao động Hàn Quốc như mong muốn.

Theo cơ quan công an, ngoài vụ lừa đảo anh Lộc và bạn, với chiêu trò môi giới cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, Lý chiếm đoạt hơn 460 triệu đồng và 38.500 USD của 10 người khác. Trước đó, Lý đã bị khép tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong thời gian chờ thi hành án vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Lý tiếp tục gây ra vụ án trên.

Gần đây nhất, tháng 2.2019, một vụ việc lừa đảo hàng chục lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, chiếm hàng chục tỷ đồng tại TP.HCM đã bị phát giác. Theo đơn tố cáo của chị Nguyễn Hoàng Nữ, chị và bà Nguyễn Thị Hường (SN 1982, Giám đốc Công ty Jiwoo Tour, địa chỉ tại số 79Bis Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) đều làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc và quen biết nhau.

Năm 2018, Hường cho biết, công ty của mình đang có tiêu chuẩn tuyển dụng khoảng 300 người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo dạng visa E7 (có tay nghề cao, còn gọi là visa chuyên ngành hay visa kỹ sư), với tổng chi phí cho một hồ sơ từ 13.000 - 15.000 USD (tùy từng tỉnh, thành). Tiền đặt cọc là 2.500 USD/hồ sơ, phần còn lại khi nào có visa sẽ nộp hết. Thời gian làm việc ở Hàn Quốc là 5 năm 4 tháng.

Nghe theo lời giới thiệu của Hường, Nữ đã về nhà vận động người nhà, hàng xóm tuyển người đi làm việc. Lúc này chị Nữ đã vận động được hàng chục lao động, với số tiền cọc lên tới 5 tỷ đồng để nộp cho Hường. Sau quá trình nộp hồ sơ, bà Hường đã gửi visa cho lao động qua điện thoại. Tuy nhiên, chỉ tới khi ra sân bay để chuẩn bị bay sang Hàn Quốc thì lao động mới phát hiện ra mình bị lừa và tất cả visa này chỉ là giả.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, thực hiện Chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) năm 2018, đã có 4.728 người lao động được hướng dẫn thủ tục để doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng lao động; phối hợp làm thủ tục xin cấp thị thực cho 3.258 người lao động, tổ chức 51 đợt xuất cảnh cho 3.776 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Bộ khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, các chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc để tránh bị lừa đảo, tiền mất, tật mang.

Theo DanViet