Lương cơ sở tăng 100.000 đồng: Người dân lo lắng đứng ngồi không yên

Tăng lương cơ sở nhưng nhiều lao động trong khối hành chính sự nghiệp đều thấp thỏm bởi thu sẽ không đủ bù chi...

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP về việc tăng mức lương cơ sở thêm 100.000 đồng (từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng, tương đương gần 7,2%), đối với lao động trong đơn vị sự nghiệp. Mức lương cơ sở bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7, thay thế Nghị định số 72.

Có lẽ, thông tin về tăng mức lương cơ sở sẽ là niềm vui với nhiều lao động khối Nhà nước, bởi đây là việc làm cấp bách, không những góp phần ngăn dòng chảy “chất xám” từ khối Nhà nước sang khối tư nhân, mà còn giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, nhiều lao động đơn vị sự nghiệp đều chung nỗi lo về mức tăng không đủ cho chi tiêu này. Đặc biệt đây là lần tăng lương thứ 2, kể từ gần cuối năm 2018, trong khi giá của nhiều mặt hàng của nền kinh tế không ngừng tăng như xăng.

Anh N.Đ.H (35 tuổi, quê ở Yên Bái, trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân) là một điển hình.

luong-co-so-tang-100-000-dong-nguoi-dan-lo-lang-dung-ngoi-khong-yen

Mặc dù được tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng từ 1/7, nhưng nhiều lao động trong khối hành chính sự nghiệp đều thấp thỏm bởi thu sẽ không đủ bù chi.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí hạng khá, qua thời gian thử việc, anh H nhanh chóng được ký hợp đồng lao động có thời hạn tại trung tâm truyền thông của một đơn vị sự nghiệp. Anh H rất phấn khởi. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi anh nhìn thấy mức lương trên hợp đồng làm việc.

Anh H cho biết: “Lương cơ bản của tôi được tính căn cứ theo loại A1, hệ số lương là 2,34. Sau khi trừ các khoản bảo hiểm, tôi nhận lại chưa đến 3 triệu đồng. Tôi khá sốc về mức lương này. Tôi nghĩ, mình có thể cố gắng làm việc thật tốt để được tăng lương, nhưng sau khi tham khảo thông tin thì với các đơn vị hành chính Nhà nước, tôi biết 3 năm mới được xem xét tăng lương một lần. Tôi không thể sống với một mức lương chỉ đủ ăn sáng, xăng xe và trà đá hàng tháng được. Tôi cần có nhà cửa và lo cho cuộc sống cho gia đình nhỏ của tôi trong tương lai không xa”.

“Trong khi tôi có mức lương “không thể tin” như vậy thì nhiều bạn bè cùng lớp lại đầu tư trí lực cho các đơn vị doanh nghiệp tư nhân, với mức lương khởi điểm đã chạm mốc 8 triệu đồng/tháng. Có thể họ cũng chưa thể lo đủ cho tương lai nhưng chí ít, họ chi tiêu thoải mái hơn tôi và không phải nhận những mớ rau, cân gạo từ gia đình gửi lên”, anh H tâm sự.

Theo anh H, giá của các mặt hàng chủ lực của nền kinh tế đều tăng “chóng mặt”, chưa kể lương tăng thì giá các mặt hàng, dịch vụ không thể không tăng chính là nguyên nhân khiến điều kiện thu chi của anh tại Thủ đô càng trở nên eo hẹp.

Vì vậy, không ít lần anh H nung nấu ý định chuyển đổi công việc, đến một môi trường làm việc có mức thu nhập cao hơn.

luong-co-so-tang-100-000-dong-nguoi-dan-lo-lang-dung-ngoi-khong-yen

Lương tăng trong bối cảnh giá của nhiều mặt hàng chủ lực của nền kinh tế đều tăng. Ảnh: TL

Tương tự, chị V.T.V (32 tuổi, quê ở Hải Phòng, trú tại phường Định Công, Hoàng Mai) cũng không tránh khỏi cảnh lo lắng khi “lương tăng thì mớ rau muống cũng tăng”.

Chị V cho biết: “Tăng lương, nhưng giá các dịch vụ không hề giảm. Trong khi, lương tăng sau giá xăng, dầu, điện, gas”.

Không bàn đến câu chuyện tăng lương đòi hỏi phải đi đôi với tinh giản biên chế để lựa chọn đối tượng tăng lương phù hợp, chị V cho biết, ở khía cạnh là bà nội trợ, vì mức lương khối hành chính không đủ để đáp ứng cuộc sống cho gia đình hai vợ chồng với 1 con nhỏ nên chị đã lựa chọn công việc truyền thông tại một tập đoàn tư nhân trên địa bàn Hà Nội.

Bởi theo chị V: “Mức lương 3,5 triệu là cả một gánh nặng với lao động làm việc và sinh sống tại thành phố lớn như Thủ đô. Số thu nhập đó chỉ đủ cho tiền nhà trọ và xăng xe đi làm, mặc dù thu nhập của chồng tôi là tương đương. Đi là công sở ở thành thị trung bình 3 ngày tôi sử dụng hết 50.000 đồng tiền xăng. Xăng tăng, điện tăng cộng thêm chi phí leo thang, thiết nghĩ, có thêm 100.000 đồng từ lương cơ sở vẫn khiến cuộc sống của gia đình tôi trầy trật”.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP về việc tăng mức lương cơ sở thêm 100.000 đồng (từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng, tương đương gần 7,2%), đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang.

Với mức lương cơ sở mới, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ được tăng từ mức hiện tại là 3.252.600 đồng lên 3.486.600 đồng (tăng 234.000 đồng). Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác.

Mức lương cơ sở ban hành để xác định tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và các chế độ theo quy định của Nhà nước. Mức lương cơ sở bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7, thay thế Nghị định số 72.

Theo GiaDinh