Lưu ý đặc biệt khi sử dụng ô tô trong thời tiết nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm ở các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng không nhỏ tới độ bền của xe ô tô nếu như tài xế không biết cách chăm sóc.

Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đặc trưng của đất nước Việt Nam, hiện tượng trời nồm dường như trở nên quá quen thuộc, đặc biệt là người dân miền Bắc.

Trời nồm ẩm thường diễn ra vào tháng 2 và tháng 4, cuối Xuân đầu Hạ, mỗi đợt nồm kéo dài khoảng 5-7 ngày. Trời nồm diễn ra khi độ ẩm trong không khí lên cao khoảng 90% dẫn đến hiện tượng hơi nước bị ngưng tụ, đọng lại trên bề mặt mọi vật. Môi trường ẩm ướt lúc này chính là điều kiện tốt cho các vi khuẩn nấm mốc, độc hại sinh sôi nảy nở.

luu-y-dac-biet-khi-su-dung-o-to-trong-thoi-tiet-nom-am

 Thời tiết trời nồm ẩm kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới mọi vật, kể cả ô tô. Ảnh minh họa

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trời nồm ẩm còn khiến cho các vật dụng nhanh hỏng hơn rất nhiều. Xe ô tô cũng vậy, tài sản quý giá và là phương tiện di chuyển này cũng chịu ảnh hưởng xấu do thời tiết nồm ẩm. Theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm, nếu như không biết cách chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô trong thời tiết nồm ẩm ô tô sẽ nhanh xuống cấp và phải tốn một khoản tiền không nhỏ để sửa chữa những hỏng hóc.

Nguyên nhân chính là do mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí rất cao, nồng độ axit và các chất ăn mòn khác cùng bụi bẩn và tro bụi công nghiệp trong nước mưa cũng vì thế mà cao hơn tương đối nhiều so với mưa mùa hè.

Đây chính là các tác nhân gây ăn mòn kim loại và phá hủy sơn trên xe. Khi nước mưa trộn với bùn đất và bụi bẩn trên đường – vốn cũng chứa nhiều chất ăn mòn rồi bám lâu ngày trên xe, tốc độ ăn mòn càng nhanh hơn. Thêm vào đó, độ ẩm không khí rất cao cũng khiến quá trình ô xy hóa kim loại diễn ra mạnh hơn. Các hiện tượng này có thể không thấy được bằng mắt thường trong ngày một ngày hai, nhưng nếu chú ý thật kỹ sẽ nhận ra xe đã cũ đi so với hồi trước mùa mưa.

Khi trời nồm sẽ thường xuyên nhìn thấy vỏ thân xe, kính xe ô tô, gương xe... trong tình trạng được bao phủ một lớp sương mờ. Đó là hiện tượng những giọt nước li ti ngưng đọng lại trên bề mặt khi độ ẩm không khí lên cao. Và tất nhiên, lái xe trong điều kiện kính mờ, gương nhòe quả thật không dễ dàng, thậm chí rất nguy hiểm.

Khi trời nồm, xe ô tô còn mắc thêm 'căn bệnh' ẩm, bí. Khi mở cửa xe hoặc hạ cửa kính, không khí bên ngoài kéo vào bên trong ô tô sẽ khiến cho khoang nội thất bị ẩm ướt.

Thậm chí, xe ô tô còn bị ẩm ướt, đây sẽ là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển, gây ra mùi hôi khó chịu cho xe ô tô. Tình trạng xe ô tô bị ẩm ướt kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các bộ phận khác như ghế xe, cụm lái, sàn xe... và quan trọng nhất là khối động cơ, hệ thống điện. Các bộ phận này sẽ rất dễ bị ăn mòn, hay bị hỏng hóc do hơi ẩm... và vì thế, tuổi thọ của chiếc xe ô tô cũng bị giảm sút đi rất nhiều.

Do đó, tài xế cần có cách chăm sóc và bảo dưỡng xe đúng cách cho ô tô khi thời tiết nồm ẩm kéo dài: 

Đỗ xe nơi khô ráo và có mái che

Bạn nên đỗ xe ở chỗ khô thoáng và thông gió. Đây là cách tốt nhất giúp xe tránh xa các chất gây ăn mòn và quá trình ôxy hóa. Nếu phải để ngoài trời, bạn nên sử dụng bạt phủ xe.

Rửa xe thường xuyên

Ngại rửa xe vì cho rằng xe sẽ bẩn ngay sau khi rửa chính là một sai lầm trong quá trình bảo quản xe. Bởi bùn đất bám lâu ngày trên xe có nồng độ các chất ăn mòn cao hơn trong nước mưa. Dù rửa xe thường xuyên không giúp giữ xe luôn sạch nhưng việc đó làm giảm lượng chất ăn mòn bám trên xe. Hơn nữa, khi xe được rửa thường xuyên, điều kiện để xảy ra quá trình ôxy hóa sẽ giảm đi, hiện tượng hoen gỉ sẽ được giảm thiểu.

Bảo dưỡng hệ thống điện và lọc gió

Độ ẩm cao khiến cho hệ thống dây điện, đặc biệt là các mối nối điện trên xe nhanh bị ôxy hóa. Vì thế, không ngạc nhiên khi xe hay bị chết máy hoặc mất điện về mùa mưa phùn. Ngoài ra, hệ thống điện cũng rất dễ bị mát điện, thậm chí cháy chập. Để tránh hiện tượng này, tốt nhất là bạn nên bảo dưỡng hệ thống điện thường xuyên. Chú ý đấu nối và bọc bảo vệ dây điện và các mối nối thật cẩn thận.

Bên cạnh đó, bộ lọc gió cũng phải đặc biệt được chú ý, nhất là đối với những xe hay đi xa, hoặc đi ở môi trường có nhiều bụi bẩn. Bộ lọc gió bị ướt gây tác hại không kém khi bị bụi bẩm bám dày. Vì vậy, bạn cần thường xuyên đem xe đến trung tâm bảo dưỡng để làm sạch bộ lọc gió ít nhất 1 tháng/1 lần.

Theo VietQ