Lý do giới khoa học đưa ra cảnh báo về thói quen đổi điện thoại liên tục

Các nhà khoa học mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng, thói quen đổi điện thoại liên tục là mối nguy lớn cho nhân loại khi bị lạm dụng các nguyên tố tự nhiên.

Để kỉ niệm sự kiện "Bảng tuần hoàn hóa học" trải qua chặng đường 150 năm, các nhà khoa học đã tạo ra một bảng tuần hoàn phiên bản đặc biệt, tập trung vào sự khan hiếm ngày một gia tăng của các nguyên tố được sử dụng trong các thiết bị điện tử hàng ngày như điện thoại và tivi.

Được biết, bảng tuần hoàn sửa đổi này đã được trình tại nghị viện Châu Âu vào ngày 22 tháng 1 bởi British MEPs Catherine Stihler và Clare Moody.

Theo ông David Cole-Hamilton (Phó chủ tịch của Hiệp hội Hóa học châu Âu - EuChemS), tất cả mọi thứ trên thế giới đều được tạo ra từ 90 nguyên tố tự nhiên và điện thoại cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, việc lạm dụng các nguyên tố này đang khiến cho chúng dần trở nên khan hiếm và một số trong đó sẽ biến mất trên toàn thế giới trong vòng 100 năm nữa. Đây là một tổn thất không thể bù đắp nổi cho nhân loại của chúng ta.

Theo thống kê thì chỉ riêng tại Liên minh châu Âu khoảng 10 triệu điện thoại thông minh bị thay thế hoặc tệ hơn là vứt bỏ trong 1 tháng.

ly-do-gioi-khoa-hoc-dua-ra-canh-bao-ve-thoi-quen-doi-dien-thoai-lien-tuc

 Thói quen đổi điện thoại liên tục có thể làm nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt khiến nhà khoa hoc lo lắng

Về cơ bản, điện thoại thông minh sẽ được cấu thành bởi khoảng 30 nguyên tố hóa học mà 17 trong số đó có thể là mối lo ngại cho tương lai bởi nguồn cung của chúng đang bị cạn kiệt dần và con người không thể tái tạo lại.

Điều đó đã khiến điện thoại thông minh trở thành một nguy cơ đối lớn đối với toàn cầu, dưới góc nhìn của các nhà khoa học, khi mà con người có thói quen nâng cấp, thay thế nó trong vòng một vài năm thậm chí là một vài tháng.

Cũng trong bảng tuần hoàn mới này, EuChemS đặc biệt nhấn mạnh vào 2 nguyên tố là Indium (In) và Lithium (Li). Indium được sử dụng để làm màn hình và dựa trên lượng sử dụng hiện tại thì nguyên tố này sẽ trở nên rất hiếm sau 50 năm và cực kì đắt đỏ. Lithium lại được sử dụng trong pin sạc, nó có một ưu điểm là dễ tái chế tuy nhiên với tốc độ khai thác hiện nay thì việc nguyên tố này trở nên khan hiếm cũng không phải là điều gì đó ngạc nhiên.

Liên quan tới tình trạng nguồn nguyên liệu tự nhiên hiện nay đang dần cạn kiệt, các nhà khoa học cho rằng, một khi nguồn tài nguyên thiên nhiên tích lũy hàng tỷ năm cạn kiệt thì không cách nào tái tạo được, đặc biệt nguồn năng lượng hóa thạch. Thế giới đang đứng trước nỗi lo một khi các mỏ dầu, mỏ khí đốt tự nhiên, than đá cạn kiệt, nhân loại sẽ xoay xở ra sao để duy trì cuộc sống.

Sự suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, trong đó không thể không đau đáu trước nguồn tài nguyên nước đang khô cạn. Quá trình đô thị hóa, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu ngày càng gây áp lực nặng nề lên khối lượng và chất lượng nguồn nước.

Theo thống kê của các nhà khoa học, nhu cầu nước trên toàn thế giới sẽ tăng tới 45% trong khi nguồn nước đang cạn kiệt ở mức báo động và ngày càng hiếm dần. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. 

FAO cảnh báo, trong 15 năm tới sẽ có gần 2 tỷ người phải sống trong tình trạng bị thiếu nước. Cho nên không phải ngẫu nhiên các nhà môi trường đưa ra lời cảnh báo thế giới sắp bước vào một cuộc xung đột tranh giành nguồn nước.

Theo VietQ