Mã số mã vạch thúc đẩy chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng mã số mã vạch trong hệ thống siêu thị sẽ tiết kiệm chi phí, kiểm soát tốt dòng tiền, chất lượng sản phẩm hàng hóa được công khai minh bạch hơn.

Được xem là một ứng dụng vô cùng tiện ích trong văn minh thương mại, mã số mã vạch (MSMV) ngày càng phổ biến với quy mô lớn hơn, các chức năng của MSMV được mở rộng như: Thanh toán tiền hàng cho khách, quản lý giá, dự trữ hàng hóa, chất lượng hàng hóa và hạn sử dụng, phát hiện hàng giả, công tác kho vận (logistic)... MSMV không chỉ áp dụng vào khâu bán lẻ mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực khác như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, quản lý hành chính, bảo mật...

 Mã số mã vạch thúc đẩy chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại

 Hội thảo “Nâng cao hiệu quả ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) đối với các sản phẩm, hàng hóa trong siêu thị Việt Nam” được tổ chức bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Thế nhưng, công nghệ MSMV mặc dù được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam từ năm 1995 nhưng cho đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia việc ứng dụng MSMV đối với các sản phẩm, hàng hóa trong siêu thị Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo bà Trương Thị Thạch - Phó giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) đối với các sản phẩm, hàng hóa trong siêu thị Việt Nam” được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức mới đây, hiện tại, ở Việt Nam việc ứng dụng công nghệ MSMV mới chỉ dừng ở việc cấp mã số doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp (DN) in ấn số mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ bán hàng, còn chưa triển khai ứng dụng các loại MSMV trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử.

Trong khi đó, trên thực tiễn số lượng các DN ứng dụng công nghệ MSMV vẫn chiếm tỷ lệ thấp, số lượng hàng hóa của Việt Nam sử dụng MSMV chưa nhiều. Việc ứng dụng công nghệ MSMV còn chậm, chưa hiệu quả, đôi khi tự phát, chưa có sự hướng dẫn về công nghệ và kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước, đôi khi các DN đã nhận phải các thiết bị in đọc phần mềm MSMV lạc hậu so với tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý MSMV vẫn chưa được thống nhất.

Trước thực trạng này, bà Trương Thị Thạch đề xuất, cần sử dụng rộng rãi công nghệ MSMV trong các lĩnh vực cần thiết của đời sống (ứng dụng các MSMV trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử). Từ đó tăng số lượng các DN sử dụng mã vạch, giúp tăng tốc độ xử lý hàng hóa và hiệu quả trong kinh doanh, cập nhật các công nghệ nhận dạng mã vạch, tiến tới quản lý thống nhất hệ thống mã vạch.

 Mã số mã vạch thúc đẩy chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại

Ứng dụng mã số mã vạch trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa là xu hướng của văn minh thương mại

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, đầu vào của các siêu thị có nguồn hàng phức tạp, nhiều tổ chức sản xuất chưa tham gia MSMV, do vậy công tác thu mua hàng hóa, bán ra gặp rất nhiều khó khăn.

“Một hiện tượng không phải là cá biệt, ở một số siêu thị có cho thuê quầy bán hàng, làm dịch vụ ăn uống, giải trí,... hầu hết không có máy tính tiền đọc MSMV, không hóa đơn chứng từ vì vậy độ tin cậy của các quầy đó không cao, dễ làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của siêu thị, ở những đơn vị đó doanh thu bán hàng dịch vụ, nộp ngân sách khó mà đo đếm được chắc chắn sẽ dẫn tới thất thu lớn cho ngân sách địa phương”, ông Phú cho biết.

Theo chuyên gia Phú, khi MSMV được hiểu là một chỉ số của thương hiệu có giá trị không thể nhầm lẫn, tranh chấp của nhà sản xuất, là trình độ, niềm tự hào của doanh nghiệp và của quốc gia thì lúc đó sẽ có tự tin vươn ra biển lớn, tham gia hội nhập thị trường toàn cầu hóa hiện nay.

Còn ông Phạm Ngọc Hùng - Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam nêu ý kiến, hiện nay các cơ quan chức năng đang rất vất vả trong thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu… Nếu việc ứng dụng MSMV được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn cả nước, sẽ tạo sự liên kết có hệ thống, quản lý chặt chẽ, quy củ hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí phát sinh.

Theo thông tin từ Văn phòng MSMV Việt Nam, hiện có khoảng 23.000 DN Việt Nam đã đăng ký sử dụng MSMV, tạo thuận lợi cho hàng triệu sản phẩm của Việt Nam gắn MSMV đầu 893 lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ KH&CN được Chính phủ giao quản lý Tem truy xuất nguồn gốc

Đề cập đến vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa bằng ứng dụng MSMV, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, hệ thống các TCVN về MSMV đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc (TXNG), cụ thể đã có TCVN về các loại mã số phân định của GS1 có thể sử dụng để định danh đối tượng cần truy xuất nguồn gốc trong hệ thống TXNG; TCVN về các loại mã vạch mã hóa dữ liệu thường sử dụng trên Tem TXNG như mã vạch EAN/UPC, GS1-128, QR Code, cũng như tiêu chuẩn về chất lượng mã vạch.

Bên cạnh đó đã có TCVN về yêu cầu đối với hệ thống TXNG thực phẩm được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của tổ chức ISO, cũng như hàng loạt các tài liệu hướng dẫn áp dụng TXNG ứng dụng tiêu chuẩn GS1 cho sản phẩm cụ thể: rau, thịt bò...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ /Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể triển khai quản lý thống nhất và thúc đẩy áp dụng hiệu quả Tem truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam.

Hiện tại Tổng cục đang tập trung nghiên cứu xây dựng đề án, đồng thời triển khai việc rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến các công cụ áp dụng trên Tem TXNG (mã số, mã vạch, hình thức, nội dung thông tin trên Tem TXNG...).

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có kế hoạch triển khai nghiên cứu và đánh giá nhiều giải pháp và công nghệ để có thể phổ biến áp dụng nhằm cải tiến các hệ thống TXNG ở Việt Nam, ông Hiệp cho biết.

Thanh Uyên

Theo vietq