Malaysia: Nghi vấn loại bún khiến 60 trường hợp ngộ độc thực phẩm

Bộ Y tế Malaysia (KKM) đang điều tra hơn 60 trường hợp liên quan ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 người chết.

Tổng cộng 61 ca đã được báo cáo với 24 trường hợp ở bang Kedah, gồm 16 trường hợp từ huyện Baling, 5 từ huyện Sik và 3 từ huyện Kulim, 21 trường hợp ở huyện Hulu Langat, bang Selangor và 16 trường hợp từ huyện Hulu Perak, bang Perak. Hiện có 21 người đã được nhập viện.

Malaysia: Nghi vấn loại bún khiến 60 trường hợp ngộ độc thực phẩm

Laksa là một loại bún nước của Malaysia. ( Ảnh: foodsafetynews.com )

Các mẫu phân của hai trường hợp tử vong đã cho kết quả dương tính với khuẩn Salmonella.

Các cuộc điều tra bước đầu cho biết tìm thấy bằng chứng bệnh nhân đã từng ăn laksa mua tại một địa điểm ở Kupang, một thị trấn ở huyện Baling. Laksa là một loại bún nước của Malaysia. Cục Y tế Tiểu bang Kedah (JKN) đã kiểm tra các cơ sở bán laksa và tạm thời cho đóng cửa trong thời gian cuộc điều tra tiếp tục được tiến hành. KKM đang đợi kết quả từ các mẫu thực phẩm đã được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Trong thời gian này, KKM khuyến cáo người dân nên điều trị ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Cơ quan này cũng đưa ra lời khuyên bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp và đun nóng đến nhiệt độ đủ để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Theo Bộ Y tế Malaysia, chỉ riêng năm 2016, cả nước đã có đến 14.433 trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Salmonellosis là một căn bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 12 đến 72 giờ sau khi ăn, bao gồm sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và đôi khi ói mửa. Ở những người lớn khỏe mạnh, bệnh thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày.

Theo VietQ