Mạng xã hội truyền tin "uống thuốc dự phòng trước tiêm vaccine COVID-19 giảm phản ứng phụ", chuyên gia nói gì?

Ngày 29/6, trên mạng xã hội lan truyền tin nhắn cho rằng có thể ngăn ngừa các phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 bằng cách uống theo đơn thuốc được gửi.

Theo nội dung thông tin đang được lan truyền trên mạng xã hội, trước khi tiêm 30 phút, người tiêm uống 1 viên Xyzal hoặc Zyrtec hoặc Aerius hoặc Bilaxten... (thuốc chống dị ứng) và 1 viên có chứa paracetamol (thuốc hạ sốt, giảm đau). Sau tiêm khoảng 10 tiếng uống nhắc lại như trên.

mang-xa-hoi-truyen-tin-uong-thuoc-du-phong-truoc-tiem-vaccine-covid-19-giam-phan-ung-phu-chuyen-gia-noi-gi

Chuyên gia bác bỏ tính chính xác về chuyên môn trong tin nhắn lan truyền trên mạng xã hội "bày cách" giảm phản ứng phụ sau tiêm vaccine COVID-19.

Chị L.T.H (cán bộ văn phòng ở Hà Đông, Hà Nội) cho hay biết tin chị sắp tiêm vaccine nên nhiều người chuyển tới chị tin nhắn này, khẳng định  hoàn toàn có thể tin cậy.

ThS.BS Vũ Minh Điền - Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và công nghệ thông tin thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, người dân không nên tin và làm theo những thông tin không chính xác này.

Theo ThS Điền, chỉ có người có triệu chứng sau tiêm mới phải uống thuốc, không nên tự ý uống thuốc dự phòng như vậy. Không phải ai đi tiêm vaccine COVID-19 cũng có phản ứng sốt, dị ứng. 

Chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay sau tiêm vaccine AstraZenceca khoảng hơn 10% người bị đau đầu, sốt/ớn lạnh, buồn nôn, đau cơ...; chưa đến 10% người bị sưng, đau vết tiêm; các phản ứng phản vệ, quá mẫn muộn hiếm khi xảy ra.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine AstraZeneca, khoảng 30% người sốt, ớn lạnh sau tiêm, hơn 20% người bị đau khớp, buồn nôn... Phần lớn các phản ứng bất lợi ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và thường hết trong vài ngày sau tiêm chủng.

"Cùng đó, chưa có bất cứ nghiên cứu, đánh giá nào về vấn đề này trong khi người sử dụng có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có thể là "con dao hai lưỡi" - ThS Điền chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên tin vào những tin đồn thất thiệt mà cần hỏi ý kiến bác sĩ. Trước khi tiêm, người tiêm được sàng lọc kỹ, được tư vấn, giải đáp các thắc mắc để có chỉ định phù hợp (được tiêm, trì hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm).

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, khi khám sàng lọc, thầy thuốc sẽ đánh giá tiền sử dị ứng của người được tiêm gồm: đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ; tiền sử dị ứng với vaccine và bất kỳ thành phần nào của vaccine.

Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19 mới nhất vừa được Bộ Y tế ban hành, những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (huyết áp cao, thấp, SpO2 thấp) được xem là người cần thận trọng khi tiêm chủng. Những người này phải đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu để tiêm và theo dõi.

mang-xa-hoi-truyen-tin-uong-thuoc-du-phong-truoc-tiem-vaccine-covid-19-giam-phan-ung-phu-chuyen-gia-noi-gi
Theo GiaDinh
------
Xem thêm:

Sau tiêm vắc xin Covid-19 nên làm gì để giảm tác dụng phụ?

Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, người thường mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau vì vậy cần lưu ý một số vấn đề để chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tác dụng phụ sau tiêm

Chị H. (Nam Từ Liêm) tiêm vắc xin Covid-19 với tâm trạng khá lo lắng vì cơ địa vốn dị ứng.

Sau khi tiêm chị H. cẩn thận cố nán lại bệnh viện lâu hơn thời gian khuyến cáo để theo dõi thêm.

Chuẩn bị đón nhận các tác dụng phụ như sốt, đau người như nhiều người từng gặp, chị chuẩn bị sẵn thuốc giảm đau, hạ sốt theo tư vấn của bác sĩ.

Không ngoài dự đoán, 10h đêm, chị H. bắt đầu sốt kèm theo rét run. Chị uống hạ sốt, nhưng tiếp tục là những cơn đau đầu, đau người.

"Phải mất 3- 4 ngày tôi mới thấy sức khoẻ bình thường như cũ. Mệt thật nhưng cũng đã qua. Giờ thì yên tâm vắc xin có thể phòng được dịch", chị H. nói.

Theo tổng kết, khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi người, đau sưng tại chỗ tiêm,… các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn trong 1-2 ngày.

sau-tiem-vac-xin-covid-19-nen-lam-gi-de-giam-tac-dung-phu

Ăn gì sau tiêm vắc xin Covid-19 để mau bình phục (ảnh minh hoạ)

Để giảm bớt tình trạng này. Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh.

Theo đó, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, người thường mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau vì vậy cần chế biến thức ăn ở dạng mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua…đồng thời chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu trường hợp sốt cao, đau nhiều có thể uống thuốc hạ sốt giảm đau.

Đầu tiên là bổ sung nước cho cơ thể. BS Tiến cho biết, trong cuốn nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam năm 2016, thì nhu cầu nước theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg.

"Nước vào cơ thể chủ yếu qua ống tiêu hoá. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối,..

Đáng lưu ý, uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe. Bởi uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn", BS  Nguyễn Văn Tiến nói.

Sau khi tiêm vắc xin, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể là rất cần thiết, nhất là vào những ngày nắng nóng. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép … để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

Phản ứng thường gặp nhất sau khi tiêm là sốt, vết tiêm nổi mẩn. Tùy theo cơ địa từng người, từng loại vắc xin sẽ có phản ứng khác nhau, vì vậy sau khi tiêm cần được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp ít nhất là 30 phút mới ra về và tiếp tục theo dõi tại nhà, nếu có biểu hiện bất thường cần thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế.

BS Tiến cũng lưu ý, sốt là phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp có thể sốt đau, có thể sử dụng thuốc hạ sốt chống viêm, nếu sốt không giảm (trên 39 độ C),liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Một phản ứng khác là tại vết tiêm có thể bị sưng đỏ, đau. Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại.

"Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau", BS Tiến nói.

Ngoài ra, sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế.

Theo Infonet