Máy sấy tay không chỉ phun ra vi khuẩn mà còn có cả thứ kinh hoàng này

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện chiếc máy sấy tay không chỉ phun ra khí nóng để làm khô tay, mà còn có cả một lượng lớn vi khuẩn thậm chí cả phân.

Báo Người lao động dẫn nguồn tin của Fox News, nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Applied and Environmental Microbiology Journal được xây dựng từ kết quả phân tích vi sinh tại 36 phòng tắm – nhà vệ sinh thuộc Đại học Connecticut (Mỹ).

Các phòng vệ sinh ở đây luôn được giữ rất sạch sẽ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của trường đại học đã phát hiện ra những thứ kinh dị mà chính họ và vô số giáo viên, sinh viên khác vô tình gặp phải khi sử dụng những chiếc máy sấy tay.

Máy sấy tay không chỉ phun ra vi khuẩn mà còn có cả thứ kinh hoàng này

Máy sấy khô tay tự động chứa nhiều vi khuẩn. Ảnh minh họa

Những thứ phóng ra từ mỗi chiếc máy sấy tay được thu thập vào một chiếc đĩa thí nghiệm và đem đi phân tích. Trên tất cả các đĩa, họ đều phát hiện lượng lớn các sinh vật độc hại và cả… phân, cho dù tất cả các máy sấy được khảo sát đều trang bị bộ lọc khí hiện đại. Các bộ lọc khí làm giảm bớt vi khuẩn và chất bẩn đáng kể, nhưng không thể ngăn chặn toàn bộ.

Chỉ trong vòng 30 giây đặt dưới máy sấy tay, có đến 18-60 chủng loại vi khuẩn khác nhau đọng lại trên các đĩa thí nghiệm, với tổng "dân số" lên tới hàng ngàn, bao gồm vi khuẩn và các bào tử của chúng. Nhiều loại vi khuẩn trong số đó được xác định là có mang mầm bệnh.

Mọi người thường sấy tay sau khi đã rửa tay sạch sẽ, điều này có nghĩa là họ không biết mình đã để chiếc máy phun trở lại vi khuẩn và phân lên đôi tay sạch của mình. Các mầm bệnh trong tay họ sẽ bị mang đi khắp nơi, phân tán trong cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị rằng tốt nhất các nhà vệ sinh, phòng tắm nên được trang bị khăn giấy thay vì những chiếc máy sấy tay.
Thông tin trên báo Tri thức trực tuyến khuyến cáo, để bảo vệ cơ thể bạn khỏi sự tấn công của nhiều loại vi khuẩn, bạn nên rửa tay vào những thời điểm dưới đây:

- Trước, trong và sau khi nấu ăn.

- Trước khi ăn.

- Trước và sau khi chăm sóc người bệnh.

- Trước và sau khi lau rửa vết thương.

- Sau khi đi vệ sinh.

- Sau khi tiếp xúc với động vật.

- Rửa tay bằng xà phòng, sau đó xả lại với nước là biện pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ được vi khuẩn.

- Trong trường hợp không có xà phòng và nước thì mới tính đến biện pháp sử dụng dung dịch nước rửa tay khô chứa tối thiểu 60% cồn. Dung dịch nước rửa tay khô có thể nhanh chóng diệt được vi khuẩn, nhưng đối với một số vết bẩn như dầu mỡ thì nó không thể làm sạch được.

Theo VietQ