Mẹ mua 'thực phẩm sạch' online, con ăn bị độc phải cấp cứu

Tin tưởng người bán 'thực phẩm sạch' trên mạng, bà mẹ đơn thân tên H. đã mua về cho con dùng. Tuy nhiên, sau khi ăn không lâu thì bụng con đau dữ dội, nôn ói, người tím tái phải nhập viện cấp cứu.

Cuộc sống hiện đại đã kéo con người chạy đua với thời gian. Để hạn chế việc ra ngoài mua sắm, ngày nay đa phần chúng ta mua sắm online. Các cửa hàng bán hàng thực phẩm sống đều đã sơ chế qua, thực phẩm đã nấu chín mua về chỉ việc dùng ngày. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã vô tình bị chúng ta bỏ quên.

Trao đổi với chị Nguyễn Thị H. (32 tuổi, ngụ huyện Thanh Trì, Hà Nội) về vấn đề mua thực phẩm online, chị H., cho biết, từ dưa, cà, mắm, muối cho đến những loại thực phẩm cao cấp như hoa quả, bánh kẹo nhập khẩu có giá lên tới cả triệu đồng cũng được chị đặt hàng qua mạng internet. Nhưng không phải đồ nào cũng tốt, cũng sạch thực sự.

Theo lời chị H: "Có những người bán quảng cáo rất hay, luôn khẳng định là thực phẩm sạch nhưng khi mua về tôi thấy chất lượng còn kém xa so với đồ ngoài chợ. Khi ấy, tôi chỉ mua của họ 1 lần duy nhất...".

Mẹ mua 'thực phẩm sạch' online, con ăn bị độc phải cấp cứu

Chị H. không ngờ rằng nguồn 'thực phẩm sạch' thường mua trên mạng lại khiến con chị nhập viện cấp cứu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chị H. cũng không thể ngờ rằng, nguồn thực phẩm mà chị luôn coi là sạch đã khiến con trai mình nhập viện cấp cứu. Theo đó, chị H nhớ lại, do tin tưởng một người quảng cáo bán hoa quả nhập ngoại, chị mua về cho con dùng. Không ngờ sau khi ăn thì đến đêm bụng con đau dữ dội, nôn ói, người tím tái phải nhập viện cấp cứu, nằm điều trị mất 7 ngày. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận, con tôi bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải hoa quả chứa hóa chất.

Được biết, câu chuyện của chị H. chỉ là một trong vô vàn những trường hợp gặp họa khi mua hàng thực phẩm thông qua mạng online.

Trào lưu bán thực phẩm online du nhập ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay, nhưng cho đến thời điểm này, các cơ sở kinh doanh online chưa trải qua bất kì cuộc kiểm tra nào về ATTP. Và bởi vậy, các shop bán thực phẩm online đang nở rộ như nấm sau mưa, nhà nhà kinh doanh thực phẩm qua mạng, người người bán hàng ăn qua mạng.

Theo bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng là người cuối cùng trong quy trình mua bán thực phẩm, nhưng họ lại là người đầu tiên gánh chịu hậu quả. Trước xu thế chung như hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn của các bà nội trợ rất nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích trên thì việc sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn lại tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP khá cao, nhất là hàng bán qua mạng... Bởi hầu hết các cửa hàng chế biến sẵn là các cơ sở tự phát, theo hộ gia đình, kinh doanh online không có giấy phép cũng như các sản phẩm chế biến cũng không có giấy chứng nhận về ATTP. Các khách hàng biết đến cửa hàng thông qua Facebook, các trang rao vặt và các món chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng miệng chứ không hề có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc thực phẩm.

Đề cập tới vấn đề này, luật sư Nguyễn Xuân Hoàng -Giám đốc một công ty luật cho biết, hiện nay khi internet ngày càng phát triển thì nhu cầu sử dụng dịch vụ mạng để giao dịch thương mại điện tử càng trở nên phổ biến và tiện dụng hơn. Bên cạnh các tiện ích mà dịch vụ này mang lại cũng xuất hiện rất nhiều thủ đoạn lừa đảo, lợi dụng sự tín nhiệm của người mua hàng để chiếm đoạt tài sản.

Mẹ mua 'thực phẩm sạch' online, con ăn bị độc phải cấp cứu

Người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc mua thực phẩm qua mạng. Ảnh: Internet

“Với số tiền lên đến hàng triệu đồng đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân phải lập tức làm đơn tố cáo gửi công an. Trong trường hợp đã chuyển tiền cần nhờ cả bên ngân hàng phối hợp tra soát và hủy giao dịch”, luật sư Hoàng nói.

Trước thực trạng “vàng, thau lẫn lộn” của thị trường mua bán thực phẩm, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc mua thực phẩm qua mạng. Tốt nhất nên tìm đến những trang bán hàng online có uy tín, địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. hàng hóa có thương hiệu, kiểm định rõ ràng. Đừng để những hình ảnh đẹp lung linh trên mạng ảnh hưởng đến chính sức khỏe của chúng ta.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về vệ sinh ATTP, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp.

Theo VietQ