Miếng bọt biển rửa bát - 'quả bom vi khuẩn' gây bệnh đường ruột

Theo nghiên cứu từ Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, miếng bọt biển rửa bát chính là nơi ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thức ăn.

Báo VnExpress dẫn thông tin từ USA Today cho biết, miếng bọt biển rửa bát là dụng cụ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên đây cũng là vật dụng lây truyền nhiều loại bệnh đường ruột nếu sử dụng sai lầm.

Miếng bọt biển rửa bát có nhiệm vụ lau sạch những mảng bám dày đặc vi khuẩn trên các bề mặt khác trong nhà, bao gồm cả bàn ghế, dụng cụ nấu ăn và bồn rửa chén bát. Vì thế bọt biển nhà bếp không chỉ là nơi chứa vi sinh vật, mà còn là trung gian lây nhiễm chéo giữa đôi tay và thực phẩm.

Một nghiên cứu đăng trên Scientific Reports đã chỉ ra rằng, bồn rửa nhà bếp và miếng bọt biển rửa bát có thể chứa tới 362 loại vi khuẩn, kể cả vi khuẩn có trong phân như E. coli. Đây là loại vi khuẩn có thể gây bệnh đường ruột và ngộ độc thức ăn.

mieng-bot-bien-rua-bat-qua-bom-vi-khuan-gay-benh-duong-ruot

Miếng bọt biển rửa bát ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn gây hại sức khỏe 

Bà Kelly Reynolds, chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cộng đồng từ Đại học Arizona (Mỹ) cho biết, bồn rửa thường xuyên ẩm ướt mà ít được lau dọn, khử trùng. Các hạt thức ăn rơi vãi kết hợp với vi khuẩn từ thịt sống và bàn tay con người, cộng thêm sự ẩm ướt biến bồn rửa thành một ổ vi khuẩn. Tiếp xúc với môi trường này, miếng bọt biển rửa bát cũng nhiễm vi khuẩn và truyền sang bát đĩa.

Báo Tuổi trẻ trước đó cũng đưa tin, đội nghiên cứu cũng đã sử dụng kỹ thuật quét huỳnh quang tại chỗ cùng với kính hiển laze đồng bộ (FISH-CLSM) để tạo lập hình ảnh 3D về độ ô nhiễm trên mẫu thử. Các hình ảnh minh họa cho thấy diện tích bề mặt lớn, độ ẩm và vụn thức ăn phân tán trong miếng bọt biển đã tạo ra môi trường sống thích hợp cho vi khuẩn.

Theo các nhà nghiên cứu, các vi khuẩn này bao gồm: Acinetobacter johnsonii, Moraxella osloensis, Chryseobacterium hominis, Acinetobacter pittii và Acinetobacter ursingii. Trong số này, vi khuẩn họ Moraxellaceae vốn thường xuất hiện trên da người, và tất cả 5 loại đều có thể gây nhiễm trùng.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là bất kể làm gì để khử trùng miếng bọt biển thì độ nguy hiểm của chúng càng tăng cao. Nấu bằng lò vi sóng, cho vào nước sôi, hoặc bỏ máy rửa chén chỉ tiêu diệt những loại vi khuẩn thông thường, ít gây hại và để lại những chủng vi khuẩn cứng đầu, nguy hiểm như Moraxella và Chryseobacterium.

Nếu không thể làm sạch chuyên gia trên Scientific Reports khuyến cáo nên thay miếng rửa bát mỗi tuần. Trường hợp không muốn tốn kém có thể vệ sinh miếng bọt bằng cách cất chúng trên rổ, giá cho ráo nước; quay trong lò vi sóng một phút hoặc bỏ vào máy rửa bát ở chế độ sấy khô mỗi ngày. Tuyệt đối không dùng miếng bọt để lau nước từ thịt sống. Khi miếng bọt đã cũ hoặc bốc mùi, hãy nhanh chóng thay cái mới.

Theo VietQ