Minh Thu: Ít người nghĩ nhạc sĩ Phó Đức Phương nghèo đến thế!

Một nhạc sĩ được xếp hạng như Phó Đức Phương ở nước ngoài sẽ rất sung túc nhưng mấy chục năm, vợ chồng ông vẫn sinh sống trong một căn nhà nhỏ giản dị, đơn sơ... Khi ông nằm xuống, vợ con mới phát hiện trong tài khoản của ông còn rất ít tiền...

Ca sĩ Minh Thu chia sẻ, cô hát nhạc Phó Đức Phương từ năm 2006. Cho đến nay đã thu 2 album các ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương là "Khúc hát phiêu ly" và "Minh Thu hát Phó Đức Phương".

Với 15 năm gắn bó và cũng khá thân thiết ngoài đời nên cô rất hiểu tính cách và con người của nhạc sĩ. Bạn bè trong giới ví von: "Văn Cao thì phải có ÁnhTuyết, Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, Phạm Duy có Thái Thanh và Phó Đức Phương phải có Minh Thu hát.

Minh Thu có chất giọng mượt mà tha thiết, lại có tố chất nhạc cảm rất tinh tế, sâu sắc nên chuyển tải được hết cả ba chiều: chiều cao, chiều sâu và chiều rộng trong các ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương".

Có lẽ vì Minh Thu hát nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương và cũng là người hát đúng ý của ông nhất, lại được ông coi như "người tình trong âm nhạc" nên ví như thế cũng chẳng có gì sai, dù thế hệ yêu thích nhạc của ông thời đầu chỉ biết nhiều đến Mỹ Linh, Thanh Lam…

minh-thu-it-nguoi-nghi-nhac-si-pho-duc-phuong-ngheo-den-the
 
50 năm sáng tác, 18 năm làm Giám đốc Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhưng theo ca sĩ Minh Thu, nhạc sĩ Phó Đức Phương thực sự rất nghèo.
 
Nhà văn Trần Thị Trường cũng kể, theo lời của người em của nhạc sĩ là Phó Đức An, nhiều năm trời, gia đình ông chỉ sống trong căn nhà vẻn vẹn 49m2 trong ngõ Văn Chương đông đúc và chật chội, nội thất không có vật gì đáng giá trừ chiếc đàn piano. Mãi đến cuối năm 2017, ông mới dọn về ngôi nhà 80m2 ở Âu Cơ, là ngôi nhà người ta gán nợ cho ông.

"Một nhạc sĩ được xếp hạng như ông ở nước ngoài thì sẽ rất sung túc nhưng mấy chục năm, vợ chồng ông vẫn sinh sống trong một căn nhà nhỏ giản dị, đơn sơ.

Người đời gọi ông là nhạc sĩ nghèo. Ông nghèo thật sự, khi nằm xuống, vợ con mới phát hiện trong tài khoản của ông còn rất ít tiền", ông Phó Đức An chia sẻ.

Nhưng Phó Đức Phương mà giàu có, mặt mày nhầy nhụa như trọc phú thì không thể là Phó Đức Phương. Ông có tiền hay không chỉ mình người em Phó Đức An hiểu rõ, bởi ông không than vãn kêu ca, chỉ thổ lộ cho người em được biết.

Lương tháng của ông có chút ít, cộng thêm tiền bản quyền, hãn hữu lắm có một đơn đặt hàng sáng tác âm nhạc kiếm được một chút. Nhưng ông là trụ cột trong gia đình, chi trang đủ mọi thứ.

Dồn được ít tiền thì cho hết con trai du học ở Mỹ hai đợt. Trong tháng đầu tật bệnh lại phải chi trang cho thuốc men của mình.

minh-thu-it-nguoi-nghi-nhac-si-pho-duc-phuong-ngheo-den-the
Hôm vừa rồi cả nhà họp lại bàn về khoản tiền chi cho nơi anh yên nghỉ. Bà quả phụ Lê Lan Anh mắt đỏ hoe, buồn rười rượi than thở: "Nhà mình khó khăn, hay để anh nằm ở nghĩa trang ở Hòa Bình ít tiền hơn, mình đỡ lo".
 
Các con thì biện luận: "Lúc sinh thời bố đã đến thăm và thích nghĩa trang Công viên Thiên Đức, Phú Thọ. Hơn nữa bố là người nổi tiếng, sau này nhiều người sẽ đến thăm bố. Nên phải để bố nằm ở một nơi đẹp đẽ khang trang thì hợp hơn. Thiếu tiền chúng cháu sẽ đi làm trả dần.

"Vậy mà trước đây, người ta công kích rằng ông làm Giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả nên có rất nhiều tiền", ca sĩ Minh Thu kể.

Cái nghèo đó còn một phần xuất phát từ con người nhạc sĩ. Minh Thu kể, tác giả "Về quê" thích cuộc sống giản dị, đơn sơ nhưng trong nghệ thuật, ông cực kỳ khắt khe.

Khắt khe đến cứng nhắc. Khi đã hát ca khúc của ông thì ông chỉnh từng tí một và phải hát đúng ý của nhạc sĩ. Không phải với tinh thần 100% mà là 200%. Điều này khiến không ít lần ông "va chạm" với các nghệ sĩ, như bản thân Minh Thu cũng không ít lần bất đồng, căng thẳng trong phòng thu với nhạc sĩ đến mức bật khóc.

minh-thu-it-nguoi-nghi-nhac-si-pho-duc-phuong-ngheo-den-the
 
Nói về kỷ niệm với nhạc sĩ, ông Phó Đức An nhắc đến bức thư pháp viết tặng nhạc sĩ, được ông treo trang trọng trong nhà để luôn ngắm nhìn nó. Đó là hai câu thơ trong bài thơ "Lậu thất minh" của Lưu Vũ Tích đời Đường: "Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh/Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh".

Xin dịch là: "Núi không cần cao, có tiên nên danh/Nước không cần sâu, có rồng nên thiêng".

Ông giải thích cho nhạc sĩ rằng: "Anh cống hiến cho quần chúng nhân dân nhiều tác phẩm để đời, đấy chính là công đức, là dâng hiến, là buông bỏ.

Điều ấy mới thực sự là niềm vui, niềm kiêu hãnh của anh với mọi người, chứ đâu cần chi nhà cao cửa rộng, khoe tiền khoe của.

Được công chúng yêu quý, kính trọng là một tài sản khổng lồ không một tài sản nào giá trị bằng. Tài sản ấy được hun đúc từ một con người tài ba, đức độ, đem lại niềm vui, lợi ích cho nhân dân và nó sẽ sống mãi trong lòng dân".

minh-thu-it-nguoi-nghi-nhac-si-pho-duc-phuong-ngheo-den-the
Hỏi Minh Thu về danh xưng "người tình âm nhạc", cô kể: Khi tôi thực hiện đĩa "Khúc hát phiêu ly" năm 2006, chính nhạc sĩ đã nói, "chúng tôi như là những người tình trong khoảnh khắc thăng hoa của âm nhạc.
 
MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, người biên tập âm nhạc cho tôi đã đưa câu đó vào bìa đĩa và sau này, khi nhắc đến nhạc sĩ Phó Đức Phương và Minh Thu trên truyền thông thì báo chí cũng gọi bằng từ đó. Mọi người đều hiểu đó là cách gọi yêu thương, là danh xưng để chỉ sự gắn bó của tôi với nhạc sĩ mà thôi.

Vì được gọi là "người tình âm nhạc" mà nhiều khi Minh Thu cũng "áp chế" được sự cứng nhắc và khắt khe của nhạc sĩ, như chính ông từng "than thở": "Mình dạy nhạc cho nó cứ như là đương nhiên phải vậy".

Ngược lại, chính nhờ sự khó tính ấy mà Minh Thu học hỏi được ở nhạc sĩ tính quyết đoán,yêu ghét rõ ràng và làm việc gì là đi đến tận cùng. "Dù cách làm việc của ông rất cứng nhắc nhưng trong sâu thẳm, ông cũng là con người rất nhân hậu, yêu quý những bạn trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ có tài năng.

Ông hiếm khi khen ai bằng lời nhưng có lần trong một cuộc họp báo, ông đã nói: "Minh Thu làm việc với tôi như là trèo lên đỉnh núi, có thể gặp nhiều chông gai, có thể sẽ bị ngã, chảy máu… nhưng vẫn đi tiếp, không chịu lùi bước, không bao giờ được bỏ cuộc. Đó là ý chí quyết tâm làm tới cùng việc mình đã định và đang làm".

L.T.Hà

Theo GiaDinh