Mumuso bán hàng Tàu gắn mác Hàn: Khách hàng có quyền khởi kiện, đòi bồi thường

Theo quy định, mức xử phạt hành chính cao nhất về vi phạm pháp luật cạnh tranh và lừa dối người tiêu dùng mà Mumuso có thể đối mặt là hơn 100 triệu đồng.

Mumuso gian lận về nguồn gốc sản phẩm hàng hóa

Theo kết luận của Bộ Công Thương, Mumuso Việt Nam kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó có tới 2.257 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

Mumuso bán hàng Tàu gắn mác Hàn: Khách hàng có quyền khởi kiện, đòi bồi thường

Sự gian lận của Mumuso sẽ đối diện với mức phạt tối đalà 100 triệu đồng cùng sự tẩy chay của người tiêu dùng.

Mumuso dùng nội dung quảng cáo công khai tại các cửa hàng như “giá chỉ từ 22.000", chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm liên quan đến Hàn Quốc. Thực tế, tại Hàn Quốc không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.

Doanh nghiệp này cũng vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm, thương mại điện tử. Quá trình kiểm tra cho thấy công ty không cung cấp chính xác thông tin liên quan đến trách nhiệm thông báo website đến Bộ Công Thương.

Hành vi gian lận trên của Mumuso theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) là lừa đảo người tiêu dùng. Theo ông Hùng, Mumuso đã vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, do đó người tiêu dùng có quyền khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw cho biết, với kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, Công ty Mumuso Việt Nam đã có những hành vi vi phạm pháp luật thương mại Việt Nam, cụ thể là hơn 90% sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, công ty đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng Việt Nam là sản phẩm từ Hàn Quốc và dẫn tới người tiêu dùng đã mua và sử dụng nhiều hàng hoá trong hệ thống phân phối của công ty.

“Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm", luật sư Hà nói.

Mumuso bị xử phạt thế nào?

Theo luật sư Hà, với kết luận của Bộ Công Thương, có thể thấy, hành vi của Mumuso Việt Nam là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Hành vi này được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 như sau: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.

Với việc gắn chữ Korea vào sản phẩm nhưng thực tế sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, công ty này đã làm người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Đó là hành vi bị cấm theo Điều 39, Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004. Cụ thể: “Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”.

Và như thế, người tiêu dùng đã bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mức phạt tiền đối với hành vi này hiện được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp: “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”; “Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn” thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khó chấp nhận một thương hiệu quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo. Theo ông, khách hàng hoàn toàn được quyền trả lại hàng hoặc đòi bồi thường và khiếu nại lên cơ quan cạnh tranh để đòi lại quyền lợi khi Mumuso là hàng Trung Quốc nhưng đội lốt Hàn Quốc để lừa người tiêu dùng.

Theo VietQ