'Muôn hình vạn trạng' thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt tại các địa bàn giáp biên giới.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, hiện nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là tại các địa bàn giáp biên giới.

muon-hinh-van-trang-thu-doan-buon-lau-van-chuyen-gia-cam-trai-phep-qua-bien-gioi

Ảnh minh họa. 

Tại Lạng Sơn, các đối tượng thường tập kết hàng tại các khu vực phía bên kia biên giới, nơi tiếp giáp với một số đường mòn thuộc các khu vực Đồng Đăng và hai bên cánh gà cửa khẩu Chi Ma. Sau đó, lợi dụng thời điểm chập tối, ban đêm hoặc sáng sớm thuê người mang vác, gồng gánh bộ từ bên kia biên giới vào Việt Nam.

Cuối cùng, các đối tượng dùng xe gắn máy, vận chuyển nhỏ lẻ hàng về thị trấn Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn tập kết và sử dụng các xe ô tô tải loại nhỏ vận chuyển sâu về các tỉnh nội địa để tiêu thụ. Quá trình vận chuyển đều được bố trí người theo dõi các lực lượng chức năng. Khi bị kiểm tra, bắt giữ các đối tượng tổ chức đông người để ngăn cản, cướp lại hàng hóa bị thu giữ để tẩu tán gây nhiều trở ngại, nguy hiểm cho các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gia cầm qua biên giới.

Tại Quảng Ninh, chủ yếu các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên sát khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, thuê cửu vạn vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới rồi dùng xe máy vận chuyển vào các khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại... sau đó đưa lên các xe tải nhỏ, xe taxi, xe khách chạy tuyến Móng Cái để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Tại Lào Cai, trên tuyến biên giới, các đối tượng tập kết hàng tại khu vực bờ sông, các hộ gia đình sinh sống giáp bờ sông biên giới, đường mòn biên giới, lợi dụng đêm tối, nhanh chóng sử dụng thuyền máy, thuyền nan tập trung vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới. Khi phát hiện có lực lượng chống buôn lậu, các chủ hàng lậu cho vận chuyển hàng hóa ngược lại phía bên kia biên giới hoặc bỏ hàng tháo chạy.

Tại các cửa khẩu tỉnh Lào Cai, các đối tượng thường thuê một số cư dân biên giới cất giấu che đậy hàng hóa gồm sản phẩm gia cầm trong những xe hàng thô sơ, xé lẻ vận chuyển dần về các điểm trong nội địa để tiêu thụ hoặc là sẽ vận chuyển về các tỉnh miền xuôi.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, trước tình hình trên, Cục hải quan các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát Hải quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các lô hàng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm nhập khẩu; Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, chốt chặn tại các khu vực trọng yếu thường xảy ra buôn lậu gia cầm qua biên giới như: đường mòn, lối mở, các điểm thông quan, các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, các khu vực khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu ngay từ khu vực biên giới.

Đồng thời phổ biến đến người dân, doanh nghiệp về tính chất nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, đặc biệt là dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và tỉ lệ tử vong cao, các biện pháp phòng, chống dịch ngăn ngừa cúm gia cầm lây lan sang người (theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do buôn lậu gia cầm qua biên giới gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân. 

Năm 2018, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý khoảng 16.500 con gà, vịt, chim bồ câu... và 276 kg gà thịt vi phạm.

Theo VietQ