Mỹ phẩm 'rởm': Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'

Chỉ cần gõ cụm từ “cảnh báo mỹ phẩm rởm” trên google, lập tức người tiêu dùng nhận được khoảng 200.000 kết quả trong 0,36 giây. Vậy mà không ít khách hàng vẫn “sập bẫy”...

Liên tục phát hiện mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Cục QLTT Bình Phước vừa chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Phước tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Ao Cá do ông Nguyễn Như Hưng, sinh năm 1992 làm chủ (Địa chỉ: ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).

my-pham-rom-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: ĐVCC. 

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở trên đang bày bán nhiều sản phẩm hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm các loại. Tất cả số hàng trên đều có xuất xứ nước ngoài nhưng chủ cở sở không chứng minh được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc của hàng hóa đang bày bán.

Kiểm tra thực tế số lượng bao gồm: 206 sản phẩm mỹ phẩm nhập, gồm: dầu gội, kem chống nắng, sữa tắm..., trị giá 8.453.000 đồng và 969 sản phẩm là thực phẩm nhập lậu, gồm: bánh, kẹo các loại..., trị giá: 12.525.000 đồng. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo đúng quy định.

Trước đó không lâu, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng thu giữ trên 7.700 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và trên 180 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CHANEL. Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra xe ô tô khách BKS 29B-051.95 do Nguyễn Văn Khương, trú tại xóm Cầu Trấn, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang điều khiển.

Qua kiểm tra thực tế hàng hóa, lực lượng QLTT phát hiện trên xe đang cất các loại mỹ phẩm (gồm kem dưỡng da trị tàn nhang, son môi, sữa rửa mặt trà xanh, nước hoa) sản xuất ở ngoài Việt Nam với trên 7.700 sản phẩm và 2 mặt hàng kính đeo mắt, bộ phấn trang điểm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CHANEL do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp...

Nói không với mỹ phẩm “rởm” là tự bảo vệ chính mình

Đánh giá về tác hại của mỹ phẩm rởm đối với sức khỏe người sử dụng, TS. BS Nguyễn Như Lan – Nguyên Trưởng khoa Laser Phẫu thuật, Viện Da liễu Trung ương cho biết, việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ví dụ, các sản phẩm trị mụn cấp tốc hầu hết đều có chứa chất corticoid là những chất giúp chống viêm mạnh, có khả năng làm da đẹp một cách nhanh chóng nhưng đây không phải là thuốc có thể trị được mụn, đặc biệt là mụn bọc. Sử dụng những mỹ phẩm như này sẽ gây tình trạng lệ thuộc vào thuốc, khi ngừng sử dụng, mụn trở lại và có nguy cơ nặng hơn trước.

Bác sĩ Lan nhấn mạnh: “Các loại mỹ phẩm có chứa corticoid chỉ điều trị triệu chứng chứ không trị nguyên nhân gây ra mụn nên không thể điều trị tận gốc các loại mụn như mụn trứng cá, mụn bọc. Hơn thế, mỹ phẩm chứa corticoid sẽ gây tác hại không nhỏ như teo da, giãn mao mạch, đỏ và rạn nứt da, thậm chí nhiễm trùng, viêm da kích thích… Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý khi chúng xuất hiện trên mặt”.

Ngoài ra, không ít chuyên gia đã cảnh báo về các loại mỹ phẩm giả có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Các nguyên tố này gây biến đổi các tế bào dẫn đến u bướu hay ung thư, gây ra những căn bệnh về nội tiết tố gan, các bệnh về tim mạch, các bệnh về thần kinh và não.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua mỹ phẩm cần xem xét địa chỉ sản xuất, thành phần, thời hạn sử dụng, xem giấy phép sản xuất in trên bao bì, chất lượng bên trong có bị đổi màu, nấm mốc hay không. Đồng thời, khi dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, nếu thấy có hiện tượng đỏ da, châm chích, ngứa ngáy thì phải ngưng ngay để tới khám tại bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt.

Theo VietQ