Mỹ phẩm tự chế bán tràn lan trên mạng: Cơ quan quản lý bó tay?

Kem trộn, son handmade và các loại mask đắp mặt… là những sản phẩm mỹ phẩm tự chế được các “xưởng” sản xuất và bán trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn người theo dõi và đặt hàng.

Những loại mỹ phẩm này xuất xứ như thế nào, nguyên liệu ra sao có lẽ chỉ sau khi mua dùng, rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” nhiều mới giật mình thảng thốt. Thế nhưng, lúc này thì đã quá muộn. 

Đến lúc này, câu hỏi đặt ra, hậu quả nhãn tiền đã rõ, vì sao những cơ sở sản xuất kem trộn gia công này vẫn không bị "tuýt còi"? Đây có lẽ là lỗ hổng khá lớn trong quản lý mỹ phẩm rao bán trên mạng xã hội.

Mỹ phẩm tự chế bán tràn lan trên mạng: Cơ quan quản lý bó tay?

 Những mỹ phẩm tự chế được bán tràn lan trên mạng. 

Kem trộn bán theo kg, son khuyến mại 45.000đ/thỏi

Để thu hút khách hàng, các shop bán kem trộn và sản xuất son thường tung ra những chiêu khuyến mãi dưới hình thức “mini game”. Giá giảm xuống mức tối đa: 200.000đ/túi kem trộn 1kg, son 45.000đ/thỏi, khách được tùy chọ màu sắc.

Theo quảng cáo của người bán, mỗi ngày “xưởng” tiêu thụ cả chục kg kem trộn và phản hồi của khách thì “ai cũng khen”. Quảng cáo là vậy, nhưng trên thực tế, kem trộn, mỹ phẩm làm trắng da, ngừa mụn... của các xưởng tại gia này đều không có nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc, không hạn sử dụng, thậm chí trước khi được chia nhỏ, đóng thành túi và rao bán thì hàng rổ các hộp nhỏ mỹ phẩm đã được cạo ra, cho vào chậu hay nồi, dùng máy đánh trứng trộn đều. Phương thức sản xuất loại mỹ phẩm này thô sơ đến mức ngạc nhiên.

Chia sẻ với báo chí, Đại tá Phạm Trường Dân - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng hành vi sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả cũng là một tội ác; việc quản lý tất cả những lĩnh vực liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

“Thực tế hiện nay, việc kiểm soát không chặt, vì vậy, nhiều người đã lợi dụng sự lỏng lẻo để sản xuất, buôn bán, trong khi đó, không phải ai cũng cảnh giác, mua về sử dụng và gặp phải những hậu quả khôn lường. Để quản lý tốt lĩnh vực mỹ phẩm, tôi cho rằng, ngành y tế phải quyết liệt hơn nữa, phải tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tất cả các kênh mỹ phẩm trôi nổi có thể tuồn ra thị trường.

Ai vi phạm, phải xử lý thật nghiêm. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng phải xử lý hình sự. Việc xử lý vi phạm hành chính, tôi cho rằng, nếu mức xử phạt còn nhẹ, chưa mang tính giáo dục cao thì ngành y tế cần đề xuất tăng mức phạt” - Đại tá Dân nhấn mạnh.

Theo Đại tá Dân, về nguyên tắc, kinh doanh mỹ phẩm buộc phải đăng ký để cơ quan nhà nước, ngành y tế có thể quản lý, nhưng các trường hợp buôn bán kem trộn qua mạng xã hội, không có đăng ký kinh doanh, không có công bố sản phẩm... thì tốt hay xấu như thế nào cũng phải bị xử lý.

Chưa kể, trong quá trình sản xuất kem trộn, các cơ sở có thể trộn mỹ phẩm giả, kém chất lượng để sản xuất ra các loại mỹ phẩm khác, chiết ra thành túi, thành lọ để bán, như thế gọi là “đánh lận con đen”.

Mỹ phẩm tự chế bán tràn lan trên mạng: Cơ quan quản lý bó tay?

Mỹ phẩm tự chế bán tràn lan trên mạng: Cơ quan quản lý bó tay?

Mỹ phẩm kem trộn không nhãn nhác, bao gói sơ sài và được bán theo kg đang đặt ra dấu hỏi về chất lượng của những sản phẩm này.

Sản xuất kem trộn bị xử lý thế nào?

Đề cập tới việc xử lý vi phạm hàng mỹ phẩm trôi nổi, hàng giả, hàng kém chất lượng, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, vi phạm quy định về công bố mỹ phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật đối với nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước hoặc nhà nhập khẩu mỹ phẩm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại khoản 1 điều này; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 điều này. Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã có Điều 192 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo VietQ