Nấm... mọc trong họng vì nhầm lẫn tai hại với dấu hiệu thường gặp



Đau, rát họng là biểu hiện thường gặp của bệnh lý tai mũi họng mà nhiều người dân đã từng bị nhưng cũng vì vậy mà đa phần chủ quan và bất ngờ khi biết mình bị nấm họng.

Bỏ qua những dấu hiệu đau, rát họng vì nghĩ bình thường, bệnh nhân N.T.Y (51 tuổi, nữ, Nam Định) không nghĩ mình lại bị nấm họng. Trước đó một tuần, bà cảm thấy đau rát họng, nuốt có vị đắng chát, khạc nhổ ra dịch trắng đục, sốt gai rét buổi chiều, ăn uống kém, mệt mỏi nên vào viện khám. Khai thác tiền sử, bệnh nhân Y cho biết, vào tháng 6/2018 có đi kiểm tra nội soi dạ dày gây mê có viêm dạ dày, viêm gan B âm tính, HIV test nhanh âm tính.

Khi thấy có bất thường ở họng, bác sỹ đã cho bệnh nhân chỉ định nội soi tai mũi họng bằng ống mềm. Qua trình nội soi có viêm loét niêm mạch họng nên được bác sĩ chuyên khoa lấy mẫu nhuộm soi. Kết quả vi nấm nhuộm soi: tế bào nấm và sợi nấm dương tính. Cấy dịch họng phát hiện nấm trong dịch: Candida albicans và kết quả HIV khẳng định dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán nấm họng/ bệnh nhân HIV. Bệnh nhân đã được bác sĩ tư vấn và điều trị HIV kết hợp kê đơn thuốc điều trị nấm họng.

BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn - Chuyên khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, nấm họng nguyên nhân chính là do có nấm Candida albicans. Đây là một bệnh cơ hội thường gặp ở những người suy giảm sức đề kháng (người nhiễm HIV/AIDS), người bị bệnh đái tháo đường, thiếu máu mạn tính hoặc suy dinh dưỡng, suy kiệt sức khoẻ, nhiễm nấm âm đạo, bị ung thư… và hay gặp ở những người dân sống ở các nước nhiệt đới ẩm. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân như vệ sinh răng miệng kém, sử dụng các thuốc kháng viêm corticoides hoặc kháng sinh kéo dài; hút thuốc lá.

Bệnh nấm họng không chỉ gây khó chịu với cơ thể, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ là nguyên nhân gây bội nhiễm thêm vi trùng hoặc bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng thì bệnh nấm họng sẽ nặng nề hơn, gây đau đớn, khó ăn khó nuốt khi lan xuống thực quản. Nếu lan xuống ruột sẽ gây trở ngại cho sự hấp thu dưỡng chất. Ngoài ra, nấm còn có thể lây lan đến phổi hoặc gan và gây tổn thương thêm cho các cơ quan này.

nam-moc-trong-hong-vi-nham-lan-tai-hai-voi-dau-hieu-thuon

BS Sơn đang khám tai mũi họng cho bệnh nhân

Theo các bác sỹ của bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, đáng nói là triệu chứng của nấm họng khá kín đáo và nghèo nàn với 2 triệu chứng chính là ngứa cổ và ho nên phần lớn bệnh nhân bỏ qua. Thường họ chỉ đến khám vì ho kéo dài dù đã điều trị các nhóm kháng sinh, giảm ho, chống viêm liên tục. Đến muộn việc điều trị thường dai dẳng hơn. Dấu hiệu sớm, người bệnh có thể thấy là đau nhói trong họng - miệng tại vị trí nhiễm nấm gây khó chịu và có thể làm giảm vị giác và có thể kèm bị ho. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý vùng họng khác nên khi có biểu hiện bất thường nên đi khám để tránh chữa sai, bệnh trầm trọng hơn.

Khi bị bệnh thường phải dùng kháng sinh chống nấm toàn thân hoặc tại chỗ, hoặc phối hợp cả hai phương pháp theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Để phòng tránh bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách. Cần đánh răng và súc miệng sau khi ăn, đặc biệt sau khi dùng các loại thuốc xịt họng có corticoides.

Ngoài ra, cần chú ý khám răng định kỳ, nhất là khi có mang răng giả phải làm sạch mỗi đêm trước khi ngủ. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm Candida cần kết hợp ăn uống và thể dục để tăng sức đề kháng. Không hút thuốc lá cũng là những yếu tố có thể phòng được nấm Candida.

Theo GiaDinh