Nắng nóng 40 độ, ăn uống gì để chống say nắng, sốc nhiệt?

Nhiệt độ ngoài trời vào lúc 10-15h trong vài ngày nay đã lên đến 42-45 độ C. Nếu đi đường, lao động ngoài trời vào giờ này, người dân rất dễ có nguy cơ bị say nắng, sốc nhiệt.

Theo các bác sĩ, nhiệt độ ngoài trời cao khiến cơ thể bốc hỏa, làm cạn kiệt lượng nước lớn và chất khoáng của cơ thể. Điều này khiến bạn có thể bị sốc nhiệt, say nắng với các triệu chứng: cơ thể nóng bỏng tới 39-40 độ C, mặt và toàn thân đỏ bừng, tụt huyết áp, hoa mắt, sây sẩm, choáng váng, xuất hiện ảo giác, mất ý thức, co giật, hôn mê.

Lúc đó, nếu không được cấp cứu ngay thì có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.  

Nắng nóng 40 độ, ăn uống gì để chống say nắng, sốc nhiệt?

Rất dễ sốc nhiệt nếu ở ngoài trời dưới nhiệt độ này trong thời gian dài. Ảnh IT

Theo các bác sĩ, người dân nên đề phòng sốc nhiệt bằng cách hạn chế ra đường vào giữa lúc nắng nóng từ 10-15h. Nếu phải ra đường thì cần đội mũ, mang ô, mặc đồ chống nắng. Người lao động ngoài trời ngoài việc mang đồ chống nắng thì cứ 1 tiếng làm việc lại vào nghỉ 5-10 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Mỗi ngày người dân nên uống từ 2-3 lít nước. 

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), mọi người, đặc biệt là trẻ em và người già không nên ra đường vào giờ nắng nóng cao điểm. Người dân nên bổ sung nước đầy đủ, ăn nhiều trái cây, rau có tác dụng thanh nhiệt như nước chanh, cam, rau đay, mùng tơi, mướp đắng, lá dấp cá, rau má, nước dừa; Hạn chế các món ăn xào, rán mà nên luộc hoặc nấu canh, ăn nhiều cua, cá; Mặc quần áo vải bông thoáng rộng; Nên tắm khi đã ráo mồ hôi, sau khi tắm cũng không nên ra gió hay vào phòng có điều hòa ngay. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng-lạnh đột ngột, không nằm ngủ nơi nhiều gió.

Nắng nóng 40 độ, ăn uống gì để chống say nắng, sốc nhiệt?

Nếu phải ra đường, người dân nên mặc trang phục chống nắng. Ảnh IT

“Món dễ kiếm và có tác dụng giải nhiệt, bổ dưỡng nhất cho nông dân phải lao động ngoài trời là nước gạo rang cho thêm chút đường và muối. Thứ “thần dược” này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt, bà con khi ra đồng nên mang theo bên mình. Đồng thời cứ làm việc 1-2h lại vào bóng râm để nghỉ ngơi, giải nhiệt rồi lại ra lao động tiếp. Không lao động ở khoảng thời gian nắng gắt nhất từ 12-15h” – lương y Trung khuyến cáo.

Nắng nóng 40 độ, ăn uống gì để chống say nắng, sốc nhiệt?

Khi có người bị sốc nhiệt nên nhanh chóng đưa họ vào bóng râm, cởi bỏ bớt quần áo; cho người bị sốc nhiệt uống nước mát; Dùng khăn ướt chườm vào các vị trí trán, nách, bẹn để nhanh chóng hạ nhiệt cơ thể; Đưa người bệnh đi cấp cứu.

Để đề phòng nắng nóng, ngày 3.7, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện có các giải pháp chống nóng. Tại các bệnh viện cần bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; Lắp điều hòa nhiệt độ (nếu có điều kiện); Cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; Bố trí đầy đủ bàn khám; Sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Tại khoa điều trị: tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ ở những nơi cần thiết đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước uống miễn phí, nước sạch cho người bệnh.

Không để hoặc hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép; Tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.

Đồng thời các cơ sơ ry tế, bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa...

Chủ động lên kế hoạch tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp và mới nổi.

Theo DanViet