Nếu chủ nhà trọ không cảm thông...

Ai từng thuê trọ sẽ hiểu cho những phận đời trong những ngày đầy ắp khó khăn này. Tiền thuê trọ luôn chiếm khoản lớn trong chi tiêu của người thuê. Chủ nhà không ít người cảm thông, nhưng cũng lắm người phớt lờ.

neu-chu-nha-tro-khong-cam-thong

Tặng quà hỗ trợ người dân ở trọ tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ngắn kể câu chuyện một chủ trọ sống ở gần Khu công nghiệp B1, Mỹ Xuân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thu đến 320.000 đồng cuối cùng của chị thuê trọ. 

Chị công nhân thuê trọ không còn cách nào đành vét túi đưa hết. Và cái kết khiến cho chị thuê trọ và người xem không khỏi... rơi nước mắt. Anh chủ nhà trọ không những không lấy tiền thuê trọ của chị công nhân mà còn tặng chị thêm 1,5 triệu đồng. 

Khắp nơi còn những mảnh đời khác cũng được hỗ trợ tiền thuê trọ bởi những tấm lòng hảo tâm của các chủ trọ. Những nhà trọ 0 đồng, những hộp sữa, thùng mì chủ nhà trọ trao tận tay người thuê nhà.

Hầu hết các tỉnh phía Nam đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch. Thiết nghĩ các chủ nhà trọ nhín chút tiền để giảm cho người thuê nhà trên tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách"...

Vừa qua, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân khó khăn trên địa bàn và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đề nghị các địa phương miễn giảm tiền điện nước cho người thuê trọ, vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền nhà cho người dân. 

Không ít chủ trọ vui vẻ miễn giảm tiền trọ, cho nợ tiền điện nước, tìm mọi nguồn hỗ trợ bên ngoài về cho xóm trọ nhà mình. 

Nhưng phần nhiều chủ nhà trọ chỉ giảm chút ít ở mức 100.000 - 200.000 đồng/tháng/hộ thuê trọ. Với nhiều căn hộ hay nhà riêng lẻ, tiền thuê hằng tháng từ 5 triệu đồng trở lên được giảm khoản 10% tiền thuê. 

Giảm được chút nào mừng chút ấy, nhưng quả thực vài trăm ngàn quá ít ỏi trong những ngày bao người mất việc, không thu nhập hoặc bị giảm lương đến còn 1/3.

Rồi đến lúc nhóm nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, tiếp thị hay môi giới kinh doanh bất động sản cũng cần được hỗ trợ gấp. Nhóm nhân viên văn phòng tùy vị trí nhưng đa số đối với những nhân viên dưới ba năm kinh nghiệm thì mức lương trung bình dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng. Trong điều kiện bình thường, họ vẫn có thể làm một số công việc khác để trang trải tiền thuê trọ, tiền ăn và các chi phí khác. 

Dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, doanh nghiệp cắt giảm lương, có nơi giảm đến 70% do doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh. Thu nhập hằng tháng chỉ còn xấp xỉ 2 triệu, gói ghém kiểu gì cũng túng quẫn. 

Nhóm nhân viên kinh doanh và nhóm nhân viên môi giới bất động sản hầu hết có mức lương cơ bản khoảng từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, chủ yếu là thu nhập từ hoa hồng kinh doanh, nhưng hiện tại đều bị cắt giảm lương, thu nhập chỉ còn vài triệu đồng/tháng.

Những sinh viên mới tốt nghiệp đang chập chững làm quen với môi trường công sở, những nhân viên chưa có hợp đồng đang sống bằng thu nhập dưới chuẩn nghèo thành phố đang tá túc trong những căn nhà trọ và đang chật vật với tiền nhà. 

Sống làm sao khi thu nhập không hơn 2 triệu đồng nhưng phải chi hơn phân nửa cho tiền thuê nhà, hoặc khổ hơn khi không còn đồng lương nào nữa? 

Những bữa ăn có thể nhịn bớt hoặc nhờ rau củ được cho, nhưng tiền trọ không thể tự cắt giảm nếu chủ nhà trọ không cảm thông. 

Đây đó có những phường có hàng trăm chủ nhà trọ đồng tình giảm phần lớn số tiền thuê nhà. Đó là những chia sẻ kịp thời và quý báu. Khi ngân sách chi hỗ trợ luôn có hạn (và cũng không thể chăm lo cho tất cả mọi cảnh đời khó khăn ở thành phố này) thì rất cần lòng hảo tâm của nhiều hơn nữa của chủ nhà trọ.

Theo Tuoitre