Nếu chữa ngay từ đầu thì không phải tiêm thuốc 7 ngày chỉ vì bệnh viêm họng

Bệnh viêm họng dễ mắc khi ở phòng điều hòa, hay giao mùa, mưa gió... Tuy lành tính nhưng rất dễ biến chứng sang các bệnh khác và không ít người đã phải tiêm tới 7 ngày mới khỏi.

Bệnh viêm họng dễ mắc và tái phát khi giao mùa

Chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nam) có con gái đã 4 tuổi, nhưng cứ gặp lạnh, kể cả lạnh trong phòng điều hòa bé cũng bị ho, đi khám thì hết bị viêm mũi họng, lại viêm tiểu phế quản, thường xuyên làm bạn với thuốc. Chị dùng mật ong ngâm chanh đào cho con uống vào buổi sáng để phòng ngừa con không bị tái phát mỗi khi trái gió, trở trời.

Chị Lê Thị Hòa (Bắc Giang) rất chăm súc họng bằng nước muối, dù giữ gìn nhưng năm nào chị cũng bị viêm họng vài lần, và thành mãn tính. Vài năm trước do chủ quan nên chị tự mua thuốc kháng sinh theo đơn cũ về uống. Tới khi ho mãi không khỏi, cảm giác ho sâu xuống ngực và đau nhức, đêm ngủ nghe tiếng ran... chị mới chịu đi khám.

Bác sĩ cho biết chị đã bị viêm tới phế quản và phải tiêm kháng sinh 7 ngày liền, đau hết cả hai bên hông mới khỏi. Từ đó cứ trở trời mà "dính" viêm họng là chị Hòa phái nghe ngóng cơ thể để trị ngay từ đầu vì quá sợ bị tiêm. Chị cũng ân hận mãi vì không trị dứt điểm ngay từ đầu, để bây giờ chỉ cần 2 ngày mắc viêm họng không khỏi là phải tiêm 7 ngày.

Anh Nguyễn Văn Hải (Hà Nội), cũng vì chủ quan để viêm họng kéo dài tới mức suốt ngày ho khạc khiến nhiều người xung quanh nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Tới lúc anh chịu đi bệnh viện khám thì đã bị viêm phổi, phải chữa trị tiêm cả tuần mới khỏi.

neu-chua-ngay-tu-dau-thi-khong-phai-tiem-thuoc-7-ngay-chi-vi-benh-viem-hong

Vì không chữa viêm họng ngay nên bệnh nhân biến chứng thành viêm phế quản, phải tiêm 7 ngày mới khỏi. Ảnh minh họa.

Trị ngay khi có dấu hiệu ban đầu

Theo PGS.TS Phạm Bích Đào - Bộ môn Tai Mũi Họng (Trường Đại Học Y Hà Nội), bệnh viêm họng rất hay mắc khi thời tiết giao mùa là do nhiễm vi rút như cảm lạnh hoặc cúm, hoặc nhiễm trùng do các vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác sẵn có ở họng) hay virus cúm, sởi...

Hoặc do các yếu tố môi trường như dị ứng theo mùa, hít phải khói thuốc lá, hoặc thậm chí không khí khô…

Hoặc do thời tiết lạnh quá, ẩm quá, hoặc bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ)…

neu-chua-ngay-tu-dau-thi-khong-phai-tiem-thuoc-7-ngay-chi-vi-benh-viem-hong

Bệnh nhân cần đi khám sớm khi bị viêm họng để tránh biến chứng. Ảnh minh họa.

Bệnh viêm họng thường khởi phát đột ngột, đa số lành tính nhưng có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như bị sốt cao co giật (ở trẻ nhỏ), nếu cấp cứu chậm trễ sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh mạng, hoặc để lại di chứng nặng nề. Hầu hết bị viêm họng là do nhiễm vi rút (hơn 80%), hoặc nhiễm vi khuẩn, hay đi kèm với viêm VA, viêm amiđan.

Nếu không chữa trị ngay cũng dẫn tới ho có đờm, vùng cổ họng đau nhức, đau khi nuốt nước bọt, ăn nuốt thấy đau… Ho nhiều sẽ dẫn tới đau đầu, sốt cao (39-40 độ C), nuốt đau, rát họng, sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, sưng đau nổi hạch ở cổ, sổ mũi, mất tiếng, hắt hơi, người mệt mỏi, chán nản…

Vì vậy tốt nhất cần chữa trị sớm để tránh biến chứng ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện (đặc trưng là nóng rát họng, đau họng, vướng nên nuốt khó, khô họng, ngứa họng, ho khan, hắt hơi, chảy mũi, đau đầu, ho, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, muốn khạc, hắng giọng... rất khó chịu vùng họng) thì cần ngăn chặn ngay bằng thuốc ngậm từ thiên nhiên dễ dùng (như mật ong, cam thảo…) để giảm đau, ngứa họng. Hoặc dùng thuốc, các dược liệu bổ phế, hỗ trợ giảm ho, giảm đờm, giảm viêm họng hạt… để đẩy lùi viêm họng.

neu-chua-ngay-tu-dau-thi-khong-phai-tiem-thuoc-7-ngay-chi-vi-benh-viem-hong

Cho bệnh nhân ăn thực phẩm mềm, bổ sung vitamin từ rau củ quả tươi. Ảnh minh họa.

Nếu triệu chứng viêm họng tăng lên, viêm họng quá 2 ngày không đỡ thì cần đi khám ngay (không nên để viêm họng tới vài ngày mới đi khám, nhất là trẻ nhỏ), vì bệnh rất nhanh biến chứng). Ngoài uống thuốc theo đơn bác sĩ, cần thường xuyên súc họng nước muối loãng (0,9%, tương đương nước canh) 3 giờ/lần (bình thường nên súc 2 lần/ngày lúc sáng dậy và trước lúc đi ngủ).

Nếu thấy có sốt cao (39 độ C trở lên) cần cho uống thuốc hạ sốt, làm mát bằng nước ấm (đối với trẻ nhỏ thì nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của trẻ khoảng 2 độ C), lau vào vùng trán, nách, bẹn, rồi khẩn trương đưa đi viện để được bác sĩ chăm sóc sớm, kéo sẽ co giật, mê man, truỵ tim mạch… Quá trình hạ sốt cần cởi bớt quần áo, đặt bệnh nhân ở nơi thoáng khí… Khi thấy bệnh nhân vã mồ hôi cần thay áo và tránh gió lùa kẻo bị nhiễm lạnh ngược.

Liên tục cho bệnh nhân uống nước dung dịch oresol (ORS) để bù nước và điện giải bị mất vì sốt cao (pha 1 gói ORS pha với 1 lít nước chín, hoặc nước pha gạo rang hay nước cháo loãng, nước ép hoa quả...).

Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ thì cần nghiêm túc uống thuốc theo đơn, uống đúng thuốc liều, đúng thời gian theo y lệnh. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh để tự điều trị cho trẻ.

Lưu ý là khi viêm họng việc ăn uống khó hơn do vùng họng bị sưng đau. Để bệnh nhân bớt mỏi mệt, khó chịu cần cho ăn thức ăn ấm mềm, dễ tiêu, loãng để dễ nuốt, không kích thích niêm mạc họng đang bị sưng, xung huyết. Thực phẩm khuyên dùng là mì, cháo gạo, ngũ cốc, bột gạo, bột yến mạch, rau nấu chín, khoai tây nghiền, sữa chua, pho mát, các loại nước ép… Cần bổ sung các vitamin từ các loại rau xanh và hoa quả tươi mát.

Phòng ngừa viêm họng

- Cần giữ ấm cơ thể nhất là khi thời tiết thay đổi lạnh đột ngột. Khi có việc phải ra đường cần tránh để cơ thể không bị nhiễm lạnh, dính mưa.

- Ra đường mặc đủ ấm, đi tất, quàng khăn tránh gió lạnh cho mặt, mũi, tai. Đeo khẩu trang để giảm tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh. Tránh nơi khói bụi và nơi ô nhiễm không khí.

- Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi ho hoặc hắt hơi. Vệ sinh răng miệng, họng, hốc mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9% ấm. Tắm bằng nước ấm.

- Tránh dùng chung đồ dùng, gần gũi với người bị viêm họng (vì vi rút gây cảm lạnh thông thường có thể lây lan và là nguyên nhân gây viêm họng hay gặp nhất).

- Phòng ngủ cần thoáng mát, nếu dùng máy lạnh thì nhiệt độ thích hợp là trên 26 độ C.

- Cần uống nhiều nước ấm, nước osezol, nước trái cây để ngăn ngừa khô họng, mất nước. Nếu thấy mệt, có thể dùng máy tạo ẩm trong phòng.

 

Theo GiaDinh