Nếu không muốn thương vong khi xe gặp nạn, hãy làm theo cách này

Làm thế nào để đảm bảo tính mạng, hạn chế thương vong nếu không may xe khách gặp nạn? Hãy cùng điểm qua những "bí kíp bỏ túi" đang được dân mạng truyền tay trong thời gian qua.

Nếu muốn sống - hãy cuộn tròn khi xe gặp nạn

Trước vụ tai nạn ở Bình Thuận vào ngày 22/5 vừa qua, một vụ tai nạn xe khách giường nằm xảy ra ở Sapa, tỉnh Lào Cai vào tháng 9/2014 cũng khiến 12 hành khách thiệt mạng tại chỗ.

Nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, với tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe khách trong thời gian qua, hành khách có thể tự trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm để thoát hiểm nếu không may xe gặp nạn.

Nhiều cư dân mạng chia sẻ, khi đi xe khách đường dài cần lựa chọn loại phương tiện chất lượng và luôn thắt dây an toàn dù là xe ghế ngồi hay giường nằm.

Ngoài việc thắt dây an toàn, không nên mang lên xe những vật dụng dễ cháy, nổ hoặc dễ vỡ bởi nếu xảy ra va chạm, chính những vât dụng đó sẽ có thể trở thành thứ sát thương.

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, khi ngồi hay nằm trên xe khách cần có tư thế phù hợp. Nếu không may xe gặp tai nạn, hành khách ngồi nên gắn chặt mình vào ghế, ở tư thế cuộn tròn, cúi đầu càng thấp càng tốt, dùng tay ôm đầu.

Một số cư dân mạng đang chuyền tay nhau những kỹ năng sinh tồn nếu xe gặp nạn, trong đó đề cập đến việc xe khách giường nằm thường có chăn, gối. Vì thế, nếu xe gặp sự cố hãy dùng chăn, gối đó quấn quanh vùng cổ, đầu. Nếu lỡ xảy ra va chạm, khả nắng sống sót sẽ cao hơn rất nhều.

Nếu không muốn thương vong khi xe gặp nạn, hãy làm theo cách này

Ở nước ngoài, nhân viên nhà xe kiểm tra cửa thoát hiểm phía nóc xe trước khi xe xuất phát. Khi nào đảm bảo rằng, nếu xảy ra sự cố, hành khách có thể dễ dàng thoát hiểm thì lái xe mới bắt đầu hành trình (ảnh TSV)

Nếu xe bốc cháy, hãy tìm cách thoát ra khỏi hiện trường càng nhanh càng xa càng tốt.

Nói về xe khách giường nằm hiện nay, nhiều người cho rằng việc xe chỉ có một cửa lên xuống đã khiến khả năng thoát hiểm của hành khách bị thu hẹp rất nhiều.

"Cửa kính thoát hiểm thì giờ các nhà xe toàn dùng cường lực nên phá nó không đơn giản. Lại có những xe cả trang bị ít thậm chí không có búa thoát hiểm.

Mặt khác, búa thoát hiểm lại bị buôc bằng dây thít khá chặt khiên hành khách không lấy được nếu xe gặp sự cố", anh Lê Tuấn - một tài xế xe khách đường dài chia sẻ.

Cũng liên quan đến cửa thoát hiểm, có ý kiến cho rằng, chính vì xe chỉ có 1 cửa duy nhất nên nếu va chạm bị kẹt cửa là nhốt luôn hành khách.

Tại nhiều nước, xe bus cũng phải có cửa thoát hiểm và được kiểm tra định kỳ mỗi chuyến. Cửa thoát hiểm cũng có kỹ thuật viên kiểm tra, ký tên mỗi lần xuất phát, chịu trách nhiệm.

Theo một tài xế xe bus nước ngoài, xe khách, xe bus cần trang bị hệ thống camera giám sát tài xế. Ở nước ngoài, xe bus được trang bị camera giám sát, nên tài xế sử dụng điện thoại hay mất tập trung khi lái xe sẽ bị phạt rất nặng.

Trường hợp tai nạn, camera này cũng như hộp đen máy bay sẽ cung cấp thông tin giúp nhà chức trách tìm ra lý do tai nạn.

Mỗi bác tài cũng có mã số riêng để mỗi khi leo lên vô lăng là bộ phận quản lý doanh nghiệp, cơ quan chức năng có thể kiểm tra anh ta ngủ bao nhiêu giấc, lái bao nhiêu tiếng.

Đừng để rơi vào trạng thái "ngủ vật lý"

Một cư dân mạng chia sẻ, ở Trung Quốc đã hạn chế xe giường nằm. Đặc biệt, xe khách giường nằm bị cấm chạy đêm, từ 0h đến 6h sáng.

"Bạn tôi lái xe tải Bắc Nam có lần bảo rằng từ TP HCM qua Đồng Nai đường đông nên thường bác tài rất tập trung, căng thẳng. Hết Đồng Nai đến Bình Thuận đường vắng hơn nên thả ga.

Thêm nữa sau một thời gian căng thẳng, tài xế có xu hướng mệt mỏi, dễ ngủ gật. Vì thế, đoạn đường này của Bình Thuận hay tai nạn là vậy chăng?", một nick name có tên Khoa Dang Tran lý giải trên mạng xã hội.

Facebooker Thanh Thuy Nguyen chia sẻ: "Từ nhiều năm trước, tôi về chạy chuyến xuyên Việt, đã rất thấy sợ khi đang ở giữa đoạn đèo nguy hiểm mà gặp xe tải hay xe khách bị hỏng nằm giữa đường.

Họ vần tảng đá to hay chỉ một cành cây để báo hiệu cho xe khác biết. Họ không lường được khi các phương tiện tham gia giao thông khác nhận ra muộn một chút thôi là có thể tai nạn xảy ra.

Nếu không muốn thương vong khi xe gặp nạn, hãy làm theo cách này

Cửa thoát hiểm của một xe bus ở Ấn Độ (ảnh TSV)

Lúc đó Việt Nam còn rất ít ô tô. Nhưng giờ ô tô đã quá nhiều tốc độ chạy cũng khá nhanh. Vậy đã sau mười mấy năm rồi mà hôm rồi tôi đi SaPa vẫn là những cung đường nguy hiểm nhưng những xe bị tai nạn vẫn dùng đá hay cành cây để che hay báo hiệu.

Tránh tình trạng tai nạn liên hoàn hay báo cho người tham gia giao thông khác biết ta bị hỏng xe, theo tôi mỗi xe ô tô ở Việt Nam cũng nên có biển tam giác phản quang. Ở Mỹ cái này là bắt buộc. Mỗi xe đều có hộp cứu thương bắt buộc".

Chị Bạch Vân chia sẻ: "Tôi đi xe bus xuyên bang ở Mỹ, Úc, ở họ tài xế quan không khác gì phi công may bay, xe bus mà họ phóng đều đều 100 km/giờ, nên tài bắt hành khách phải thắt dây an toàn hết. Sau đó, tài xế kiểm tra một vòng rồi mới xuất phát".

Nếu không muốn thương vong khi xe gặp nạn, hãy làm theo cách này

Camera giám sát tài xế và suốt hành trình của một xe bus ở Mỹ để đảm bảo rằng, tài xế đủ sức khỏe, tỉnh táo để lái xe (ảnh TSV)

Cũng liên quan đến mất tập trung khi lái xe đường dài dẫn tới tai nạn, cánh tài xế chia sẻ với nhau về một thuật ngữ gọi có tên "giấc ngủ vật lý".

"Giấc ngủ vật lý" khác so với giấc ngủ sinh lý. Tức là khi cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi cần nghỉ ngơi nhưng không được nghỉ, nó sẽ tự ngủ mà không cần cho phép. Khi đó thân chủ vẫn làm việc bình thường nhưng kỳ thực cơ thể đã rơi vào trạng thái ngủ rồi.

Nếu tài xế không được nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể làm việc trong trạng thái tỉnh táo nhất, giấc ngủ vật lý sẽ đến trong khi đang lái xe đường trường.

Lúc ấy đừng hỏi tại sao tai nạn xảy ra.

 ttvn